1. Cuộc thi kì lạ!
Đua ngựa đầu Xuân
Đầu xuân, ở một buôn làng nọ tổ chức cuộc thi đua ngựa. Luật thi như sau: Ngựa của ai về sau thì người đó thắng.
Khi trọng tài đánh trống phát hiệu lệnh thì lạ thay, toàn bộ kỵ sĩ dự thi chỉ đứng yên ở vị trí xuất phát.
Một phút, hai phút,....trôi qua, khán giả chờ đợi, hò hét huyên náo. Xem ra cuộc thi khó tìm được người về nhất.
Vừa lúc đó, có một cụ già đi tới. Cụ cười và bảo với mọi người:
- Xin quý khán giả hãy bình tĩnh, tôi sẽ nói thầm một điều với tất cả các kỵ sĩ thì họ sẽ phi như bay về đích cho mà xem.
Quả thật đúng như vậy, cụ già gọi tất cả các kỵ sĩ đến bên cụ, bắt tay và nói thầm một điều gì đó vào tai từng người. Khi cụ đánh trống phát hiệu lệnh thì tất cả các kỵ sĩ đều chạy thật nhanh tới ngựa, nhảy lên và phóng như bay về đích.
Cuối cùng người thắng vẫn là người có ngựa về sau.
Đố các bạn biết, cụ già đã nói thầm điều gì với các kỵ sĩ?
2. Hại người liệu có được không?
- Ta sẽ cho nhà người bốc thăm "Đi" hoặc "Ở"!
Ngày xưa, ở vương quốc nọ có hai vị đại thần cùng phò tá nhà vua, trong đó có một viên trung thần và một viên nịnh thần. Tên nịnh thần này muốn thâu tóm quyền hành trong tay nên đã tâu với nhà vua rằng, trong triều chỉ nên giữ lại một đại thần, còn một đại thần nên ra ngoài biên ải để giữ vững bờ cõi, bảo toàn sự vững bền của xã tác. Để cho được công minh, vua sẽ cho làm hai lá phiếu: Đi và Ở. Ai nhận được lá phiếu nào sẽ tuân theo lệnh ghi trên phiếu đó.
Giữa triều đình đầy đủ văn võ bá quan, nhà vua công bố chỉ dụ. Theo kế hoạch của viên nịnh thần đã bày ra, nhà vua giao cho viên nịnh thần viết hai lá phiếu đặt vào khay ngọc. Tất nhiên viên quan trung thần phải rút phiếu trước.
Viên nịnh thần đã viết chữ Đi vào cả hai lá phiếu. Như vậy rút phiếu nào viên trung thần cũng phải ngậm ngùi ra đi.
Không thể để cho vị quan trung thần rơi vào cạm bẫy được, các bạn hãy nghĩ cách giúp vị quan trung thần nhé.
3. Ba vị giám khảo vui tính
Thi "Gói bánh chưng đẹp" trong gia đình
Tết Nguyên Đán vừa rồi gia đình mình tổ chức cuộc thi "Gói bánh chưng đẹp". Qua nhiều vòng thi chỉ còn ba người vào chung kết là Ông, Bố và... Tớ. Ba vị giám khảo không ai khác là Bà, Mẹ và Chị gái. Ba vị giám khảo rất vui tính khi tuyên bố rằng: "Mỗi người chỉ nêu đúng vị trí của một đấu thủ, còn vị trí của hai đấu thủ còn lại là sai!". Ba vị giám khảo đáng kính đã công bố ba lá phiếu như sau (không biết phiếu nào của ai!):
Phiếu A: Nhất là Ông, Nhì là Bố, Ba là Cháu.
Phiếu B: Nhất là Cháu, Nhì là Ông, Ba là Bố.
Phiếu C: Nhất là Ông, Nhì là Cháu, Ba là Bố.
Tớ chạy hỏi từng vị giám khảo để xem tớ chính xác là được xếp thứ mấy nhưng ai cũng cười. Các bạn giúp tớ với nhé.
4. Bỏ phiếu chọn tác phẩm
Thế kỉ V trước công nguyên, ở Hi Lạp, người ta tổ chức thi tạc tượng thần Actêmit cho ngôi đền Ephedơ. Bốn nhà điêu khắc Pooliclet, Phidiat, Grêđilat và Phơratmông đều gửi tác phẩm dự thi.
Tượng thần Actêmit
Điều kì lạ là cả bốn nhà điêu khắc đều làm giám khảo chấm thi. Sau khi thảo luận, ban giám khảo bỏ phiếu kín để chọn một tác phẩm giải nhất, kết quả là mỗi tác phẩm đều được một phiếu.
Hỏi ban tổ chức đã làm như thế nào để bốn vị giám khảo ấy chọn ra được tác phẩm giải nhất?
5. Chọn tù trưởng
Ngày xửa ngày xưa, ở một bộ lạc nọ, có người tù trưởng tuổi đã rất cao. Tù trưởng nghĩ cách chọn người kế nhiệm mình và cuối cùng đã nghĩ ra cách tìm người thông minh nhất trong bộ lạc như sau:
Hình ảnh tù trưởng
Một hôm, tù trưởng cho mời mọi người trong bộ lạc tới tụ họp, lấy ra một chiếc xích lớn, nói với mọi người:
- Chiếc xích lớn này có 63 mắt xích. Ai có thể bằng cách chỉ tháo mở 3 mắt xích mà thực hiện được việc là mỗi ngày giao lại cho ta một mắt xích, đến ngày thứ 63 giao cho ta mắt xích cuối cùng thì người đó được thay ta đảm nhiệm chức tù trưởng mới.
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng không có ai tháo được chiếc xích đúng như yêu cầu của người tù trưởng. Cuối cùng, có một chàng trai vừa mới đi rừng về, nghe mọi người kể lại câu chuyện, anh đã đến gặp tù trưởng và đưa ra cách tháo chiếc xích. Tù trưởng vui sướng vì đã tìm được người thừa kế thông minh.
Em có biết anh chàng đó đã đưa ra cách tháo chiếc xích như thế nào không?
6. Nói thật – nói dối
Thổ dân trên đảo
Trên một hòn đảo nọ chỉ có hai dân tộc sinh sống: Ca-bơ-nhắc chuyên nói thật và Pra-sin chuyên nói dối. Một du khách đi chơi trên đảo gặp một người dân bản xứ bèn thuê làm người giúp việc. Đi được một quãng, trong thấy một người đàn ông khác. Du khách bảo người giúp việc ra hỏi xem người ấy thuộc dân tộc nào. Chàng giúp việc đi về và trả lời: "Anh ta nói rằng anh ta là người Pra-sin". Nghe xong du khách khẳng định chàng giúp việc là người không thật thà bèn đuổi đi mà không thuê nữa.
Em hãy cho biết điều khẳng định của du khách là đúng hay sai? Tại sao?
7. Giúp cụ già qua sông
- Sang sông thế nào bây giờ?
Ông già qua sông cùng cừu, chó.
Lại thêm bắp cải khó cho ông
Nếu mà chẳng có ông đứng trông
Cừu sẽ bị ngay con chó cắn
Cừu nhìn bắp cải là thích lắm
Thuyền con nên cũng chẳng chở hơn
Chỉ chọn bắp cải hoặc một con
Ông sẽ sang sông sao đây nhỉ
Các bạn tài năng! Nhờ một tý
Giúp ông đang bí cách qua sông...
8. Đầu bếp tài năng nhí
Phần thi rán cá của "Đầu bếp tài năng nhí"
Bạn Tí tham gia chương trình "Đầu bếp tài năng nhí". Đến phần thi thực hành rán cá thì Tí ta toát hết cả mồ hôi vì bài thi phải vận dụng cả kiến thức toán học.
Bài thi như sau: Mỗi thí sinh được trang bị bếp ga, dầu ăn, chảo và 9 lát cá. Chảo chỉ đặt được 6 lát cá và để rán một mặt lát cá phải mất 2 phút. Yêu cầu rán 9 lát cá cả hai mặt trong thời gian 6 phút.
Nhờ giỏi toán và có tài năng nấu nướng nên Tí đã vô địch phần thi này.
Các bạn có biết bạn Tí đã rán cá như thế nào không?
Các gia đình có thể vui Xuân cùng thử giải đố nhé! Bí quá mới xem đáp án...
Chúc các bạn tiếp tục có những ngày Tết thật vui! Năm mới An Khang, Hạnh phúc và Thành công!
Phan Duy Nghĩa
(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)