Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, vào ngày 9 tháng 9 năm 2023, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã tổ chức tập huấn STEM cho toàn thể giáo viên giảng dạy Khối lớp 4, cùng các cán bộ quản lí thuộc các trường Tiểu học trong quận. Giáo viên trường Tiểu học Phan Đình Giót đã tham dự đầy đủ, đóng góp ý kiến và trình bày kế hoạch bài dạy một cách nghiêm túc.
Giảng viên của buổi tập huấn là giảng viên Phạm Thị Bình, Chủ biên cuốn sách “Giáo dục STEM - Hành trình sáng tạo lớp 4” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đến với buổi tập huấn, các thầy cô giáo đã nắm được STEM là tên viết tắt bằng tiếng Anh của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Đây là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại nhiều nước. Cùng với “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, STEM cũng được biết đến là một hoạt động không còn quá mới lạ trong lĩnh vực giáo dục tại các nhà trường tại Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước ta xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc vận dụng, học hỏi mô hình STEM cũng ngày càng được chú trọng. Việc giáo dục STEM không chỉ khơi dậy đam mê khoa học của học sinh mà còn khuyến khích học sinh dám nghĩ, dám làm và có thể vận dụng khoa học trong đời sống thực tiễn được hiệu quả hơn.
Thông qua tập huấn, dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, trong vai học sinh trải nghiệm các bài học STEM với rất nhiều các hoạt động thực hành hết sức thực tế và thú vị, các cô giáo khối lớp 4 trường Tiểu học Phan Đình Giót đã cùng khám phá và nắm bắt được các quy trình tổ chức hoạt động STEM, bao gồm quy trình thiết kế kĩ thuật, quy trình nghiên cứu bài học và quy trình nghiên cứu chủ đề STEM. Tìm ý tưởng, xây dựng Kế hoạch bài dạy một chủ đề STEM cụ thể là sản phẩm chính của buổi tập huấn. Vận dụng những kiến thức vừa được tập huấn cùng với tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực, các thầy cô trong mỗi tổ chuyên môn chủ động tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng bài dạy một cách hiệu quả.
Giáo viên trường Tiểu học Phan Đình Giót tích cực, hăng say tham gia tập huấn.
Nhiệt tình tham gia thảo luận bài học để tìm ra những ý tưởng áp dụng vào bài học hiệu quả.
Hào hứng cùng nhau thực hành các ví dụ mà giảng viên đưa ra.
Sau buổi tập huấn các cô giáo Khối 4 của trường Tiểu học Phan Đình Giót cũng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của nhà trường cũng như của mỗi giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch năm học có những bài học giáo dục STEM theo chủ đề, bám sát khung chương trình. Đưa các bài học giáo dục STEM vào giảng dạy sẽ được trường Tiểu học Phan Đình Giót chú trọng, chủ động khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học mới nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh, trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học theo hướng tiếp cận liên môn và biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Buổi tập huấn bổ ích đã để lại cho các cô giáo nhiều ấn tượng sâu sắc và đã có những ý tưởng về các hoạt động STEM sẵn sàng triển khai và thực hiện trong năm học. Giảng viên đã cung cấp nhiều kiến thức vô cùng bổ ích cho giáo viên trường Tiểu học Phan Đình Giót, những bài học về STEM giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.
Từ những kiến thức mà giảng viên truyền tải trong buổi học, các cô giáo đã lên ý tưởng để sáng tạo ra mô hình bài học ngộ nghĩnh.
Hi vọng rằng mỗi giáo viên sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận STEM để truyền cảm hứng và kích thích trí tò mò, ưa khám phá của học sinh, giúp tạo nên một thế hệ những nhà nghiên cứu giỏi, sáng tạo và ham học hỏi - những người có thể đóng góp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai, góp phần phát triển giáo dục STEM, dùng STEM triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2023-2024 và các năm học tiếp theo.