Trong những năm qua, công tác quản lý cũng như thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP) tại truờng Tiểu học Phan Đình Giót luôn đuợc chú trọng thực hiện. UBND quận phối hợp cùng Trung tâm Y tế quận, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác ATTP cũng như thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, kiểm tra trực tiếp vấn đề vệ sinh ATTP tại nhà bếp của trường, phân công trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý ATTP.
Năm học 2018 – 2019, trường TH Phan Đình Giót tiếp tục tổ chức nấu cơm bán trú phục vụ các con bữa trưa. Thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đuợc các bộ phận của nhà trường có trách nhiệm kiểm tra kĩ lưỡng trước khi chế biến, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của học sinh.Các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhà trường đó là: Cửa hàng thực phẩm Ngôi Sao Xanh, cơ sở sản xuất cung ứng và chuyên doang nông sản Nhà Tôi, công ty TNHH Công Nghệ Thực phẩm Nam Phong, Công ty TNHHDịch vụ đầu tư và phát triển Thương mại Vega.
Hiện nay, vấn đề ăn thịt lợn, đặc biệt là sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn bán trú của học sinh đang trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội. Có nhiều thông tin trái chiều xung quanh việc ăn thịt lợn mắc bệnh sán lợn, hoặc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW) cho biết: “Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thuỷ sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín”. Đối với trẻ nhỏ, ngoài do tiêu thụ nguồn thực phẩm nhiễm ấu trùng sán lợn thì việc chơi đùa ở các môi truờng không đảm bảo vệ sinh cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm giun sán. Việt Nam là nuớc có khí hậu nhiệt đới nên việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là điều khó tránh khỏi. Bệnh sán lợn cũng thuờng phổ biến ở những tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh vùng trung du.
Việc mắc bệnh sán lợn liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn và các thực phẩm tươi sống chưa nấu chín. Con nguời chỉ bị nhiễm sán lợn khi ăn phải trứng sán hoặc nang sán truởng thành có trong thịt chưa nấu chín kỹ, thịt sống, rau sống, thịt tái...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như nem chua, thịt lợn tái, rau sống không vệ sinh. Người nghi có dấu hiệu mắc giun, sán cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị dứt điểm, không được phóng uế bừa bãi, hoặc có những hành vi gây lây lan giun sán ra cộng đồng.
Còn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người dân, vì vậy, người dân nên bình tĩnh và không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị dịch bệnh và chế biến hợp vệ sinh.
Đối với các con học sinh, gia đình cần phối hợp cùng nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các con có những biện pháp phòng tránh mắc bệnh giun sán nói riêng và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các con, như: Rửa sạch tay truớc khi ăn, ăn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín, uống sôi, vui chơi ở những nơi sạch sẽ, không nghịch đất, cát; tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần...Khi thấy có các dấu hiệu đau bụng, đi ngoài, buồn nôn...cần báo ngay cho gia đình (hoặc nhà trường) để có biện pháp xử lý kịp thời.