Năm 2015, Đại học Sydney đã quay lại một video quan sát số lần 26 sinh viên y khoa chạm tay lên mặt họ. Trong một giờ, mỗi bác sỹ tương lai trung bình chạm tay lên mặt tới 23 lần. Gần một nửa trong số đó có động chạm trực tiếp tới mắt, mũi hoặc mồm. Cuối tuần trước, một đoạn video khác lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, một nhân viên y tế tại California, Mỹ đã chạm lên mặt mình trong chính cuộc họp báo khuyến cáo người dân không làm điều tương tự giữa thời kỳ dịch bệnh bùng phát.
"Hãy bắt đầu dừng việc chạm vào mặt bạn bởi vì đó là một cách chính để virus lây lan", nữ bác sỹ nói. Sau đó, cô nhấp ngón tay lên miệng để giở sang trang tiếp theo trong bài phát biểu.
Mọi người dường như đều nhận thức được sự khó khăn khi thực hiện lời khuyên của bác sỹ. "Tôi chưa chạm mặt mình trong nhiều tuần rồi… Tôi nhớ nó quá", Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter gần đây. Và không lâu sau đó, ông bị chụp ảnh đang chạm vào mặt mình.
Có rất nhiều lý do để một người chạm vào mặt mình. Theo một nghiên cứu năm 2014, điều đó giúp làm giảm sự thiếu thoải mái và áp lực.
"Những cử động như vậy thường không có tác dụng để giao lưu với người khác, chúng thường được thực hiện một cách vô thức", nghiên cứu chỉ ra.
Vẫn có thể "sờ mặt" một cách an toàn?
Tiến sỹ về bệnh truyền nhiễm tại Gainesville Dawn Mueni Becker cho hay, nếu không thể kiềm chế bản thân, vẫn có những cách giúp bạn có thể động chạm mặt mà ít có nguy cơ lây nhiễm hơn.
"Nhận thức về thói quen sẽ có lợi trong việc tránh động chạm vào mặt", ông Becker nói. "Nhận biết những thời điểm chảy nước mũi hoặc muốn hắt xì hơi là quan trọng. Trong trường hợp này, nên sử dụng giấy ăn hơn là tay không".
Người dân cũng được khuyến khích rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước, hoặc dung dịch làm sạch tay có độ cồn ít nhất là 60%.