Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vận dụng rất sáng tạo phương thức tác chiến: Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy đấu tranh giành chính quyền của nhân dân. Đó chính là nhân tố có tính quyết định tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước sang năm 1974 so sánh thế và lực trên chiến trường, ta đã mạnh hơn địch. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong hai năm 1975-1976. Kế hoạch tác chiến được chia thành 2 bước. Bước 1 năm 1975, tập trung lực lượng tiến công rộng khắp, tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhân dân. Bước 2 năm 1976, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong bước 1 ta chia thành 3 đợt tiến công: Đợt 1 từ tháng 12-1974 đến tháng 2-1975, tiến công quy mô nhỏ và vừa ở đồng bằng Nam Bộ, nhằm kéo giữ chủ lực địch. Đợt 2 từ tháng 3 đến tháng 6-1975, mở chiến dịch tiến công quy mô lớn ở chiến trường Tây Nguyên và một số chiến dịch ở các chiến trường khác. Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, mở rộng vùng giải phóng. Đợt 3 từ tháng 8 đến tháng 10-1975, phát triển tiến công địch và sẵn sàng chuyển sang bước 2 khi thời cơ tới. Quyết định đúng đắn và sáng suốt của Bộ Chính trị, cùng sự chuẩn bị chu đáo và kịp thời của Bộ Tổng Tham mưu đã tạo nền tảng vững chắc để quân và dân miền Nam bước vào tác chiến, quân dân miền Bắc động viên sức người và sức của chi viện cho chiến trường.
Vận dụng sáng tạo phương thức tác chiến, giành thắng lợi quyết định
Bộ đội ta tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột của địch
Theo kế hoạch tiến công chiến lược, cuối năm 1974 quân dân đồng bằng Nam Bộ mở đợt hoạt động đánh địch. Mặt trận miền Đông mở chiến dịch tiến công, giải phóng tỉnh Phước Long. Chiến thắng Phước Long đánh dấu bước trưởng thành và sức mạnh của Quân đội ta. Qua đó cũng cho thấy rõ, sức mạnh của quân ngụy và khả năng can thiệp của quân đội Mỹ là rất hạn chế, tạo thế để ta bước vào đợt 2. Sau thời gian nghi binh và tác chiến tạo thế, bất ngờ đêm 10-3-1975 quân ta ở Tây Nguyên tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đánh thắng quân địch trong trận mở màn chiến dịch, tạo thế có lợi để ta giành quyền chủ động tiêu diệt quân địch về tăng viện phản kích. Thất bại trong việc tái chiếm Buôn Ma Thuột đẩy địch vào thế sai lầm nghiêm trọng về chiến lược đó là “rút bỏ Tây Nguyên”. Sự bị động của địch đã tạo điều kiện thuận lợi để ta tiêu diệt quân địch rút chạy, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và phát triển xuống đồng bằng Trung Bộ. Chiến thắng Tây Nguyên khiến chiến trường Nam Bộ bị chia ra làm đôi, mở ra thời cơ để Bộ Chính trị điều chỉnh kế hoạch tác chiến và hạ quyết tâm tổ chức trận quyết chiến chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Để tạo thế cho trận quyết chiến, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt quân địch ở vùng 1 chiến thuật, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, giải phóng TP Huế và Đà Nẵng. Bộ đội Tây Nguyên phát triển xuống cùng quân dân Quân khu 5, giải phóng các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ, không cho địch rút về co cụm giữ Sài Gòn. Quân dân các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, đẩy mạnh tiến công và nổi dậy giải phóng các địa bàn quan trọng xung quanh Sài Gòn và Gia Định. Sau gần 1 tháng tổng tiến công và nổi dậy, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn và 2 quân khu của địch. Giải phóng Huế, Đà Nẵng cùng các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Hậu phương chiến lược được nối liền từ miền Bắc vào tận các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo ra lực, thế và thời cơ có lợi để ta tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Thực hiện phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”, chỉ trong thời gian ngắn ta đã cơ động tập trung được lực lượng lớn, tương đương 5 quân đoàn; cùng nhiều sư, lữ, trung đoàn của các quân chủng, binh chủng và LLVT địa phương. Hàng chục vạn tấn vật chất, hàng chục nghìn phương tiện đã vào triển khai, hình thành thế bao vây, chia cắt, luồn sâu và lót sẵn trên địa bàn chiến dịch. Ngày 26-4, ta bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch. Ngày 28-4 ta đã hoàn toàn chia cắt, cô lập quân địch ở TP Sài Gòn với các tỉnh xung quanh, không quân và pháo binh đánh phá các mục tiêu chủ yếu bên trong nội đô. Đúng 5 giờ ngày 29-4, từ 5 hướng quân ta đồng loạt tiến công các sư đoàn địch phòng ngự ở tuyến ngoài. Tạo thế để các binh đoàn thọc sâu binh chủng hợp thành, đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu bên trong thành phố. Trải qua hơn 30 giờ chiến đấu rất quyết liệt, bộ đội ta đã đánh chiếm được 5 mục tiêu chủ yếu là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền, buộc chính quyền ngụy Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, chớp thời cơ chiến lược của Đảng ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.