Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại liên tiếp trong thời gian qua, nhiều gia đình đã tự trang bị các kiến thức cũng như dạy các em một số kỹ năng cơ bản để phòng, chống bị xâm hại. Tuy nhiên, cách giáo dục này mới chỉ dừng lại ở mức giúp các em tiếp cận vấn đề chứ chưa đi sâu về kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng phát hiện người xấu, người tốt và người lạ để các em tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải. Rất nhiều người chủ quan nghĩ rằng việc này không xảy ra với con cái của họ bởi chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ, các bậc cha mẹ này luôn cho rằng họ chăm sóc con cái rất cẩn thận. Trong khi thực tế, nhiều trẻ bị xâm hại đều sống ở những nơi có tình hình an ninh ổn định, những gia đình có nền tảng giáo dục tốt... Thậm chí có trường hợp trẻ lại bị chính những người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại.
Hiểu rõ được sự cấp thiết về vấn đề này, ngày 6/12/2019 trường Tiểu học Phan Đình Giót đã tổ chức buổi diễn đàn: “ Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” cho các em học sinh. Buổi diễn đàn có sự tham gia của các học sinh khối 5 và các cô giáo trong Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo khối 5. Buổi diễn đàn diễn ra với sự hào hứng của các bạn học sinh. Trong buổi diễn đàn các bạn học sinh được đưa ra những thắc mắc của mình về vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em. Và hơn nữa là các bạn được các cô giáo giải đáp những thắc mắc đó.
Dưới đây là một số hoạt động diễn ra trong buổi diễn đàn
Mở đầu buổi diễn đàn là màn chào hỏi, giới thiệu của các bạn học sinh khối 5
Các bạn học sinh đưa ra những thắc mắc của bản thân về vấn đề bạo lực.
Các cô trong tổ tư vấn học đường đang giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh.
Thời gian của buổi diễn đàn tuy không nhiều, nhưng với tinh thần nghiêm túc học hỏi của các em, các em đã có được những bài học bổ ích cho chính mình.
Hy vọng rằng buổi diễn đàn này đã trang bị được cho các em thêm nhiều kiến thức và kĩ năng để phòng tránh sự xâm hại. Việc các em được an toàn, lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc không chỉ là sự mong mỏi của các bậc làm cha, làm mẹ, mà cũng là một nỗi niềm mong mỏi tha thiết của những người làm thầy.