Sách là nguồn kiến thức vô tận giúp ta mở mang đầu óc. Đọc càng nhiều sách sẽ giúp ta tích luỹ cho mình vốn tri thức, kỹ năng “chém gió” với bất kì ai với chủ đề mà mình đã từng đọc qua và có sự am hiểu. Các bạn có công nhận với mình điều này không? Lượng kiến thức sách đem lại vô cùng lớn mà chỉ bỏ ra chi phí cực kỳ rẻ phải không nào?
Nếu ai có ham muốn đọc sách thì nên mua sách về đọc vẫn tốt hơn đọc online. Vì lúc này mình sẽ có thể đánh dấu lại những gì cần chú ý để khi cần thì chỉ cần lấy ra xem lại, rất tiện và cũng tốt cho sức khoẻ đôi mắt hơn. Còn khi đọc thông qua ebook, tiếp xúc nhiều với màn hình điện thoại, máy tính sẽ hại cho sức khoẻ, gây mỏi mắt.
Vậy khi ra nhà sách nên chọn cuốn sách như thế nào? Và phương pháp đọc ra sao để hiểu được nội dung mà sách truyền tải trong thời gian ngắn? Dưới đây là kinh nghiệm của mình muốn truyền tải cho các bạn
Nên chọn sách như thế nào phù hợp? Xác định mục tiêu đọc sách
Có rất nhiều thể loại sách khác nhau tuỳ theo sở thích người đọc, nào là tiểu thuyết, sách tâm lý, kỹ năng sống, phát triển bản thân, sách tâm linh, sách kinh doanh,… Vì thế cần xác định mục tiêu đọc sách của mình thời điểm đó là gì, bản thân đang cần tìm hiểu vấn đề gì? Hứng thú với chủ đề gì thì tìm thể loại sách đó mà đọc.
Việc một người nào đó đánh giá cao quyển sách nào đó chưa chắc bạn đã thích nó giống như họ. Có thể một số người thích tiểu thuyết với các nhân vật trong truyện nhưng tôi thì lại không hứng thú với thể loại này, nên dù có đọc tôi cũng không nắm được rõ thông điệp sâu xa tiểu thuyết muốn nhắn gửi là gì.
Khi muốn chọn một quyển sách nào đó để đọc, bạn hãy hiểu rõ về sách và tác giả của sách. Có 2 loại tác giả là hành giả (viết từ trải nghiệm thực tế) và học giả (họ chuyên nghiên cứu các vấn đề và viết sách). Mỗi tác giả có cách viết và góc nhìn khác nhau nên bạn hãy chọn lối viết phù hợp với mình nhé. Và bạn phải thật sự hứng thú với nội dung cuốn sách đang nói đến. Tuy nhiên làm sao biết được cuốn sách đó bạn có thật sự thích hay không?
Đầu tiên nhìn vào tiêu đề trang bìa cuốn sách, nó có hấp dẫn ta không. Nếu đã thấy thích rồi thì hãy vào xem đến Mục lục của sách có thể nằm trước hoặc sau sách (tuỳ cuốn). Xem sơ qua nội dung sách có ý chính gì thông qua mục lục. Sau đó hãy đọc thử thêm 2-3 trang đầu để đảm bảo bạn có thích văn phong của tác giả không, vì mấy trang đầu bạn không hiểu thì cả cuốn sách có thể bạn cũng không hiểu hết nội dung sách truyền tải là gì.
Bạn không nên mua quá nhiều sách trong cùng một thời điểm, vì bộ não ta luôn muốn học hỏi biết thêm nhiều điều mới. Khi có nhiều sách thì bạn sẽ chỉ có thể tìm hiểu vài chương trong một cuốn sách là đã thấy nhàm chán, muốn đọc quyển sách khác rồi, rất lãng phí không chất lượng, nên mua 1 lần khoảng 4 cuốn là tối đa.
Và chọn mua sách THẬT ở các nhà sách uy tín như: Fahasa, Nhân văn, Vinabook,… Rất dễ để phân biệt sách THẬT và GIẢ. Sách giả tờ giấy trắng, mỏng và bóng. Khi bạn đọc dưới ánh đèn sẽ gây chói, gây cảm giác mỏi mắt khi đọc. Còn sách thật có màu giấy hơi ngả sang vàng, khi để dưới ánh đèn sẽ không bị chói, rất dễ chịu khi đọc.
3. Các bước chuẩn bị trước khi đọc sách
3.1. Chuẩn bị trạng thái phấn khởi trước khi đọc sách
Đây là bước khá quan trọng trong việc đọc sách. Nếu trạng thái tinh thần bạn không thoải mái, chẳng hạn như buồn ngủ hay mệt mỏi thì chắc chắn bạn sẽ không có cảm hứng đọc sách. Muốn đọc sách hiệu quả thì tinh thần phải thật sự tỉnh táo và có hứng thú, lúc này đầu óc ta mới sẵn sàng mở rộng hơn để nạp thêm lượng kiến thức mới.
Bạn có thể đọc sách vào các khung giờ như: buổi sáng trước khi bắt đầu vào công việc, buổi trưa hoặc chiều khi nào có thời gian rảnh hay muốn thư giãn thì đọc. Nhưng thời điểm tốt nhất là buổi tối sau khi ăn cơm, lúc này không gian đã yên tĩnh, bạn cũng không còn vướng bận công việc nên đọc sẽ hiệu quả hơn.
3.2. Chuẩn bị 1 cây viết
Cây viết này sẽ có 2 vai trò cho bạn: Một là bạn dùng để viết ghi chú vào quyển sổ tay làm vốn kiến thức riêng cho mình hoặc cũng có thể tiện tay gạch chân vào chỗ cần lưu ý trong sách. Chỉ gạch những cụm từ có ý nghĩa, đừng nên gạch quá nhiều sẽ gây rối. Hoặc bạn có thể ghi chú ở cuối mỗi trang tóm tắt lại nội dung trang đó nói gì.
Hai là bạn dùng bút để rà theo chỗ bạn đang đọc. Bạn hãy thử đi, đây như là một phép thôi miên bạn thu hút theo sự chuyển động của cây bút và tập trung vào từng chữ bạn đang đọc hơn. Tuy nhiên nó chỉ phù hợp cho những ai cần tập trung cao độ vào nội dung mà không cần đọc quá nhanh, vì hành động rà bút này sẽ cản trở quá trình đọc nhanh của bạn.
3.3. Chuẩn bị 1 sổ tay ghi chép
Bạn nên có cho mình một cuốn sổ tay với tên gọi: KIẾN THỨC TỔNG HỢP làm báu vật cho mình mỗi khi đọc sách. Nó sẽ là cuốn bảo bối luôn kề cận bên bạn để ghi chép những câu trích dẫn hay, những ví dụ thực tế gần gũi mà bạn có thể áp dụng sau này, hay thậm chí là những kết luận mà bạn rút ra được từ mỗi chương mà bạn có thể học hỏi được.
Cách ghi chú thông minh là sử dụng sơ đồ tư duy. Bạn hãy hệ thống các kiến thức tích luỹ được từ việc đọc sách thông qua một sơ đồ logic theo cách hiểu của bạn và nhìn lại chúng thường xuyên để tránh bị lãng quên.
Một nhân vật nổi tiếng đã có câu: “ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt”. Vì vậy việc ghi chép giúp bạn kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu.
4. Cách đọc sách dễ tiếp thu nhất
Tuỳ vào từng mục đích đọc sách khác nhau sẽ có những cách đọc khác nhau, nhưng theo mình thì có các giai đoạn đọc sau:
- Đọc lướt qua toàn bộ không nghiền ngẫm: nếu bạn mới đọc cuốn sách đó lần đầu thì hãy đọc lướt qua trước. Cách đọc này đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật của người đọc, đọc lướt qua toàn bộ nội dung quyển sách nhưng không dừng lại phân tích sâu ở đoạn nào cả, bước này chủ yếu để nắm sơ nội dung sách muốn nói đến là gì.
- Đọc nghiền ngẫm nội dung quyển sách truyền tải: đây là cách đọc rất tốt và nên được khuyến khích cho việc đọc sách. Người đọc lĩnh hội đầy đủ nội dung sách muốn truyền tải thông qua việc phân tích, tìm hiểu cặn kẽ, đối chiếu với thực tiễn về những vấn đề được đề cập trong sách. Đoạn nào không cần thiết ta có thể lướt qua, đoạn nào quan trọng thì bạn hãy dừng lại thật lâu để phân tích chúng.
Một quyển sách bạn nên đọc nhiều lần. Lần đầu nên đọc nhanh để tìm hiểu nội dung quyển sách nói đến là gì. Nó là cơ sở cho các lần đọc sau, vì bạn biết được nội dung nào cần thiết đối với mình. Các lần đọc sau có thể đọc chậm và chỉ cần nhắm vào các nội dung chính ấy mà đọc, không cần phải tốn thời gian với các nội dung không cần thiết khác. Như thế ta sẽ tìm hiểu được cặn kẽ nội dung sách muốn nhắn gửi.
Trong khi đọc bạn hãy thật sự tập trung, tránh bị xao lãng bởi các tác động xung quanh. Bạn cố gắng định hướng tâm lý vào nội dung quyển sách, hình dung những ý tưởng trong sách thành hình ảnh, đối chiếu so sánh cứ như bạn đang xem một bộ phim và mình là nhân vật trong đó. Làm như vậy thì việc đọc mới hiệu quả.
5. Chia sẻ kiến thức học được với người khác:
Nếu đọc sách xong và giữ khư khư kiến thức đó cho riêng mình thì cũng không giúp ích gì cho bạn đâu. Vì vậy bạn hãy chia sẻ các thông tin mình học được cùng với người khác. Đây vừa là cơ hội để ta ôn lại những gì đọc được và cũng có thể học được thêm nhiều điều từ người khác nữa. Khi bạn chia sẻ một vấn đề nào đó, có thể người khác sẽ đặt câu hỏi mở rộng hơn về nó, nếu bạn không biết thì sẽ tìm hiểu thêm. Vì thế mà bạn lại có thêm kiến thức mới nữa đúng không nào.
6. Vận dụng vào thực tế
Nếu bạn chỉ biết đọc như “con mọt sách” thì cũng không giúp ích được gì, mà chỉ lãng phí thời gian. Chúng ta đọc sách là phải biết vận dụng vào thực tế, biết áp dụng những kiến thức đã đọc được vào công việc nhằm làm thay đổi cuộc sống, tìm hướng đi đúng đắn cho cuộc đời. Tuy nhiên trước khi vận dụng chúng vào thực tiễn thì phải bỏ thời gian ra nghiền ngẫm, chọn lọc những gì phù hợp với mình để ứng dụng.
Có nhiều quyển sách có các bài tập vận dụng trực tiếp vào ngay cuối mỗi chương, chẳng hạn cuốn: “Người nam châm – Bí mật của luật hấp dẫn” giúp bạn định hướng tương lai của mình. Ở mỗi phần tác giả nói đến đều có các bài tập chừa chỗ trống cho ta vận dụng điền trực tiếp vào rất thuận tiện. Các bài tập này sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân của mình. Hay khi đọc quyển Chìa khoá sống lạc quan của tác giả Lại Thế Luyện thì bạn phải biết vận dụng các các chìa khoá đó để thay đổi mình từ một người sống bi quan thành người sống lạc quan hơn và cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Vậy nên đọc sách bao lâu trong ngày là tốt nhất?
Nếu bạn là người bận rộn đến mức nào thì cũng dành cho mình ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách, nó vừa giúp bạn tiếp thu kiến thức mới, vừa thư giãn đầu óc rất tốt. Còn nếu bạn là người thoải mái về thời gian và có niềm đam mê đọc sách thì bạn đọc càng nhiều càng tốt nhưng phải biết dành thời gian thư giãn. Cứ đọc khoảng 45 phút thì bạn hãy thư giãn 15 phút để làm những công việc khác nhé, chứ không là stress luôn đấy.