1. Xác định trước loại sách mình cần
Khi quyết định đi mua sách, hãy xác định ngay mình muốn mua loại sách nào trước khi bước ra khỏi nhà. Việc xác định được cuốn sách mình cần mua giúp bạn không mất thời gian vào việc tìm kiếm và có thể dễ dàng chọn được một cuốn sách hay và đúng chủ đề. Ngược lại, nếu không xác định trước, bạn sẽ bị hút vào những cuốn sách khác nhau và bạn chẳng biết nên mua sách nào, từ đó dẫn đến mua phải những cuốn sách “đẹp mà không hay”, chưa kể mua về mà chẳng bao giờ động đến.
2. Phân loại các thể loại sách
Để chọn được một cuốn sách hay, bạn cần có một kỹ năng cơ bản là phân biệt được các loại sách. Có nhiều cách để có thể phân loại những cuốn sách, nhưng về cơ bản có 4 loại sau đây:
Thứ nhất, sách chuyên môn. Với mỗi đối tượng thì lại có một loại sách chuyên môn khác nhau và cụ thể với học sinh, sinh viên chúng ta là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập,…
Thứ hai, sách nâng cao. Đây là những cuốn sách có liên quan trực tiếp đến sách chuyên môn, nhưng kiến thức ở tầng mở rộng hơn, sâu hơn các kiến thưc cần có. Những cuốn sách này giúp bạn mở mang kiến thức và có sự nghiệp rộng mở hơn.
Thứ ba, sách “hạt giống tâm hồn”. Với nhiều người, những loại sách này chỉ là loại sách “thị trường” không lợi ích gì cả, nhưng hãy khoan coi thường chúng. Bạn không nên chỉ đọc những cuốn sách thiên về kiến thức, bởi nó khiến bạn bị đau đầu và cằng thẳng. Những lúc như vậy, bạn rất cần những cuốn sách “lợi thần kinh” này. Những cuốn sách về truyện ngắn, thơ, truyện ngôn tình,… tạo nguồn cảm hứng, tạo cân bằng, giúp cuộc đời đáng sống hơn.
Thứ tư, sách nền tảng. Là những cuốn sách về phương pháp, nhận thức, bí quyết,… Các loại sách tư vấn về các lĩnh vực. Ví dụ như cuốn sách: “Đọc sách như một nghệ thuật” của hai tác giả J. Adler và Van Doren... Vì thế, đọc loại sách này giúp hấp thụ 3 loại trên.
Tuy nhiên, một điểm chú ý là bạn nên cân bằng các loại sách với nhau, việc cân bằng các loại sách nặng về kiến thức và các loại sách giải trí sẽ giúp bạn tiếp nhận tri thức tốt hơn.
3. Xác định thời điểm mua sách
Mỗi thời điểm khác nhau thì nhu cầu tiếp cận tri thức lại khác nhau. Vì vậy bạn cần phải xác định được thời điểm này ta cần mua loại sách nào.
Ví dụ: Khi bạn chuẩn bị thi, bạn nên mua các loại sách chuyên môn để giúp nắm vững các kiến thức. Hay khi bạn thi xong rồi, những kiến thức cơ bản đã được nắm bắt, thì những cuốn sách nâng cao lại cần thiết, giúp bạn có được nền tảng kiến thức rộng lớn hơn. Tất nhiên nếu đọc được trước khi thi thì càng tốt.
4. Tham khảo từ bạn bè
Không gì nhanh bằng việc “tiếp thu thành tựu” của người đi trước. Họ có thể là bố mẹ, có thể là anh em, có thể là bạn bè, có thể là thầy cô… những người từng trải sẽ cho bạn những lời khuyên vô cùng hữu ích.
Một trong số các nguồn tham khảo hiệu quả khác nữa là: Các trang mạng xã hội, các trang mạng của các công ty sách. Một lưu ý là bạn nên đọc qua những phần bình luận của những người đã mua trước để tham khảo ý kiến của họ,… việc này giúp ích cho bạn rất nhiều.
5. Nắm bắt nội dung cuốn sách
Đây chính là điểm mấu chốt và quan trọng nhất giúp bạn chọn được một đầu sách hay. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để nắm bắt được nội dung của một cuốn sách khi mà thời gian của ta không nhiều?
Giai đoạn đầu tiên là đọc tựa cuốn sách và xem mục lục. Việc này giúp ta biết được một cách tổng quát nhất về cuốn sách. Trả lời câu hỏi: nó viết về cái gì?
Giai đoạn hai là đọc lướt các đầu đề bài trong sách và xem tranh ảnh, phần in đậm. Công việc này giúp ta có thể nhìn chi tiết hơn về nội dung cuốn sách. Trả lời câu hỏi: Nó viết như thế nào?
Còn giai đoạn ba và cũng là cuối cùng, bạn nên đọc qua các bài, các phần bạn thấy ấn tượng. Điều này giúp bạn trả lời câu hỏi: Có hay không?
Khi đã trả lời được các câu hỏi: Cuốn sách viết gì? Viết như thế nào? Và có hay không? Thì câu hỏi "liệu bạn có mua" sẽ có câu trả lời.