Các khoản thu, chi công khai, minh bạch
Bà có nhìn nhận gì về vấn đề lạm thu trong trường học thời gian qua?
Trong thực tế cần ghi nhận phần đa hiệu trưởng đã ý thức đúng đắn và làm tốt vấn đề chống lạm thu trong trường học, không để xảy ra tiêu cực, thu chi trá hình và mượn tay ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS).
Thậm chí, với sự quản lý minh bạch, gương mẫu, thu đúng, chi đúng theo quy định nhà nước… họ còn đưa ra không ít giải pháp quyết liệt chống lạm thu hiệu quả thực tế nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của phụ huynh học sinh (PHHS).
Tuy nhiên, vẫn còn một số sự việc lạm thu đã để lại bức xúc trong dư luận, đồng thời gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giáo dục, của thầy cô giáo. Và không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân chính khiến vấn đề lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm bởi vai trò quản lý của các hiệu trưởng thiếu sát sao quyết liệt.
Thậm chí, không trừ trường hợp hiệu trưởng là người “ngầm” tạo điều kiện cho việc thu sai quy định. Khi vai trò “đầu tàu” của hiệu trưởng không phát huy đúng đắn sẽ tạo cơ hội, thúc đẩy lạm thu trong nhà trường, khiến gia đình và HS chịu thiệt thòi với nhiều khoản đóng góp không chính đáng núp dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa và thông qua đại diện ban PHHS…
Là một trong những ngôi trường có sĩ số học sinh đông trong quận Thanh Xuân và toàn thành phố Hà Nội, việc chống lạm thu được đặt ra với hành động minh bạch cụ thể ra sao để uy tín của nhà trường, BGH, GV nhà trường luôn được gìn giữ, thưa bà?
Trường TH Phan Đình Giót là một trong những trường của quận Thanh Xuân (Hà Nội) họp PHHS đầu năm học và tiến hành thu các khoản theo quy định sớm nhất (8/9/2018) và không nhận được bất kỳ sự phản ánh, thắc mắc trái chiều từ phía PHHS và ban đại diện PHHS.
Trước khi bước vào họp đại trà PHHS toàn trường thì BGH nhà trường đã có cuộc họp với ban đại diện CMHS của 5 khối lớp. Nhà trường đã thông qua và làm rõ những khoản thu chi, khoản nào thu hộ chi hộ… để PHHS có thể hiểu và nắm bắt.
Ví như bảo hiểm. Trừ bảo hiểm y tế bắt buộc 100% HS tham gia thì với các loại bảo hiểm khác nhà trường để cán bộ bảo hiểm trực tiếp thu. Như vậy sẽ tránh được tình trạng PHHS có tâm lý nhà trường hay GVCN thu thì nể mà phải đóng.
Khi cán bộ bảo hiểm thu, PHHS sẽ thoải mái lựa chọn quyết định có tham gia bảo hiểm cho con em mình hay không, tham gia loại bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm nào…; Những PHHS đã mua bảo hiểm cho con sẽ không vì e ngại mà phải tham gia thêm một loại bảo hiểm nào khác.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn có trách nhiệm giới thiệu giúp PHHS các loại bảo hiểm khác nhau từ thấp tới cao để có thể lựa chọn theo nhu cầu, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh từng gia đình.
Đối với một số khoản thu hộ chi hộ như: Học tiếng Anh, Kĩ năng sống, Các hoạt động CLB cuối giờ… thì BGH quy định có quy trình thu cụ thể.
PHHS phải viết đơn tay để đăng ký, như vậy tránh trường hợp GVCN hay nhà trường đưa ra một mẫu đơn có sẵn, PHHS chưa hiểu hết nội dung đã kí tên và đóng tiền. Khi trực tiếp viết đơn tay sẽ giúp PHHS nhìn nhận HS có nhu cầu thực sự với hoạt động nào thì mới tham gia.
Không có nhu cầu không cần tham gia. Tránh tình trạng phải ký đơn vì e ngại con mình không tham gia sẽ bị ảnh hưởng…
Với các khoản thu chi đầu năm học, đều trải qua đầy đủ quy trình, từ sự đồng tình của PHHS, nhà trường, Phòng GD&ĐT quận, UBND quận thì nhà trường mới tiến hành thu chi. Các khoản thu chi được nhà trường làm đúng nguyên tắc, quy định, quy trình; minh bạch, niêm yết công khai… nên tới nay không có bất kỳ một kiện tụng, ý kiến nào từ PHHS.
Không chỉ chống lạm thu bằng cách minh bạch, đúng quy trình các khoản thu chi đầu năm học mà mới đây BGH Trường TH Phan Đình Giót còn chống lạm thu bằng các hành động cụ thể như: Ra quy định và thực hiện không nhận hoa, quà tặng trong dịp lễ tết 8/3; 20/10; 20/11… của đại diện Ban PHHS từ BGH đến toàn thể giáo viên nhà trường.
Chống lạm thu - bắt đầu từ hiệu trưởng
Vì đâu, bản thân bà và BGH trường lại có những động thái chống lạm thu quyết liệt như vậy?
Là một hiệu trưởng, tôi luôn truyền tới BGH nhà trường cùng toàn thể giáo viên thông điệp, hành động đó là: Nghiêm túc, tường minh thực hiện theo chủ trương, thông báo thu chi; liên kết liên doanh; thu hộ chi hộ; thu thỏa thuận… Nhà trường không thể đặt PHHS vào thế “cá nằm trên thớt” buộc phải đóng góp các khoản vì có con đang theo học tại trường.
Cần đặt học sinh trong ý nghĩa các con có quyền được hưởng quyền lợi khi tới trường thay vì phải bị… ép buộc đóng góp. Trường công lập là của Nhà nước và được Nhà nước trang bị cơ sở vật chất, giáo viên hay hiệu trưởng chỉ là người đại diện cho một cơ quan tổ chức, là người đứng đầu để thực hiện nhiệm vụ. Đừng nghĩ HS đi học thì PHHS hay HS phải cầu cạnh giáo viên. Từ hiệu trưởng tới GV, nhân viên phải là người phục vụ HS, vì quyền lợi HS.
Bộ, Sở, ban ngành có quyết liệt chống lạm thu tới đâu mà hiệu trưởng thiếu nghiêm túc thì chưa thể chấm dứt lạm thu. Vai trò, trách nhiệm của mỗi hiệu trưởng trong phòng chống lạm thu trường học vô cùng quan trọng và không thể thiếu.
Đối với quà tặng của ban đại diện CMHS dành cho thầy cô giáo chúng tôi cũng kiên quyết không nhận bởi lẽ: Món quà có thể xuất phát từ tấm lòng hoàn toàn thiện lành.
Nhưng cũng không loại trừ trường hợp người nằm trong đại diện ban PHHS muốn lợi dụng việc tặng quà để chi tiêu không hợp lý.
Hiệu trưởng hay GV khi nhận những món quà từ chi tiêu không hợp lý cũng đồng nghĩa đã tiếp tay cho việc chi tiêu thiếu minh bạch. Mặt khác, từ các khoản thu chi đúng trong nhà trường khá hạn hẹp, nếu BGH hay GVCN có chút quà trích ra từ quỹ lớp thì chắc hẳn đại diện ban PHHS buộc phải lạm vào thu chi của nguồn quỹ lớp.
Những khoản đóng góp của PHHS thì hãy để phục vụ cho các vấn đề liên quan đến HS, cho các em được thụ hưởng hoàn toàn trong quá trình các em học tập.
Bà có cho rằng, vai trò của người “đầu tàu” - hiệu trưởng trong các nhà trường là rất lớn. Vì vậy việc chống lạm thu cần bắt đầu và kiên quyết từ hiệu trưởng thì mới mang lại hiệu quả cao nhất?
Năm học 2018 - 2019 Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có nhiều động thái quyết liệt chống lạm thu tại các trường học trên phạm vi cả nước, Tuy nhiên, vẫn một vài trường hợp thu chi sai quy định gây bức xúc trong xã hội.
Điều đó cho thấy, khi những “đầu tàu” không gương mẫu, vẫn cố tình lách luật, không thực hiện đúng nguyên tắc thu chi thì chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu trong nhà trường. Chính vì vậy, việc chống lạm thu cần bắt đầu và quán triệt quyết liệt từ hiệu trưởng là cần thiết và đúng đắn.
Mặt khác, nếu hiệu trưởng, BGH thiếu nghiêm túc, cố làm sai… sẽ không thể nhắc nhở được giáo viên thực hiện đúng quy định. Khi giáo viên không được định hướng đúng dễ trở thành “tiếp tay” cho ban đại diện CMHS thu chi các khoản không hợp lệ dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa; không tạo điều kiện, khuyến khích dân chủ phát biểu ý kiến, đóng góp đúng quy định từ PHHS.
Không thể để tình trạng lạm thu trong trường học mãi tồn tại. Điều đó không chỉ hiệu trưởng mất uy tín mà còn làm ảnh hưởng tới toàn ngành GD. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước một tập thể, với các khoản thu chi trong nhà trường. Không thể nói hiệu trưởng không biết gì khi giáo viên thu sai; ban đại diện CMHS thu sai. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm tới cùng trong mọi hoạt động, sự việc liên quan tới chính ngôi trường mà mình quản lý.
Xin cảm ơn bà!