HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 2
Tác giả:
Lưu Thu Thủy - Bùi Sỹ Tụng (đồng Tổng Chủ biên)
Nguyễn Thụy Anh - Nguyễn Thanh Bình (đồng Chủ biên)
Vũ Thị Lan Anh - Nguyễn Thị Thanh Bình - Bùi Thị Hương Liên
Lê Thị Luận - Trần Thị Tố Oanh - Trần Thị Thu
SGK Hoạt động trải nghiệm 2 được thiết kế kỹ lưỡng, đa dạng về phương thức hoạt động với 3 loại hình hoạt động chính theo quy định của Chương trình: Sinh hoạt dưới cờ, Hoạt động giáo dục theo chủ đề, Sinh hoạt lớp. Ngoài ra, các hoạt động cùng bố mẹ, người thân, hàng xóm được thiết kế trong một số nhiệm vụ sau giờ học cũng liên quan mật thiết đến các nội dung trải nghiệm do GV tiến hành trên lớp, giúp duy trì sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế cao nhất, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao... (trích Chương trình GDPT 2018)
Các nhiệm vụ đều xoay quanh những thử thách từ cuộc sống thật của HS, những gì HS quan sát được và hành động trong thực tế cá nhân mình. Bốn mạch nội dung lớn mà Chương trình quy định (Hoạt động hướng vào bản thân; Hoạt động hướng đến xã hội; Hoạt động hướng đến tự nhiên; Hoạt động hướng nghiệp) đã được triển khai thành 9 chủ đề cụ thể, vừa sức, dễ theo dõi và thiết thực với HS lớp 2, khiến HS dễ nhớ thông điệp, dễ vận dụng các kĩ năng, kiến thức mới vào thực tế. GV hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thứ tự tiến hành các nội dung phù hợp với trình độ và đặc điểm khác biệt của HS, phù hợp với điều kiện văn hoá, kinh tế, xã hội, yêu cầu giáo dục của trường, của địa phương. Tuy nhiên, trong cuốn Hoạt động trải nghiệm 2, nhóm tác giả có ý thức sắp xếp thứ tự các chủ đề, các tuần hoạt động theo dự kiến kế hoạch dạy học tương đối gần gũi với nội dung hoạt động theo chủ đề, chủ điểm sinh hoạt Sao nhi đồng và nhà trường.
Tuần 35 là tuần diễn ra các hoạt động tổng kết năm học. Đây là điểm mới so với Hoạt động trải nghiệm 1. GV có thể tiến hành đánh giá kết quả trải nghiệm của HS thông qua hoạt động này. Đây cũng là hoạt động được đề xuất để tạo động lực tiếp tục tham gia các hoạt động trải nghiệm trong kì nghỉ hè và năm học sau. Dưới hình thức là trải nghiệm tại lớp với chuyến đi của con tàu qua các hòn đảo, HS thể hiện lại những kĩ năng, kiến thức đã từng trải nghiệm, nhắc lại các “bí kíp” đã từng cùng thầy, cô giáo khái quát.
Kế hoạch trải nghiệm mùa hè của HS. Đây là điểm mới thứ hai so với sách Hoạt động trải nghiệm 1. Lớp 2, HS cần tăng cường rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. HS lập kế hoạch cho việc trải nghiệm trong hè. GV cần thảo luận chung với cả lớp để HS có thể chỉnh sửa kế hoạch sao cho gần nhất với thực tế.
Những câu hỏi ở cuối một chủ đề trải nghiệm giúp HS tự đánh giá hoạt động của mình: hoàn thành hay chưa hoàn thành. Với thao tác đánh giá thường xuyên, HS được tạo điều kiện nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình, của nhóm thông qua việc thực hiện các hoạt động nhóm.