ĐẠO ĐỨC 1 (Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Tổng chủ biên), Huỳnh Văn Sơn (Chủ biên), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Mai Mỹ Hạnh, Nguyễn Thanh Huân, Nguyễn Thị Diễm My, Nguyễn Thị Xuân Phương).
SGK Đạo đức 1 được nhóm tác giả biên soạn dựa trên nguyên tắc của sự trải nghiệm và khám phá của HS lớp 1. Điều cốt lõi của cuốn sách không phải là bài học hay ghi nhớ những chuẩn mực mà đó là hoạt động mang tính tích cực của HS được đan cài khéo léo thông qua những suy nghĩ, cảm nhận, tự đánh giá và những rung động của các em. Vỏ bọc của hoạt động được triển khai và ẩn sâu trong đó là từng gợi mở dành cho HS, từng định hướng về giá trị và hành vi của các em thông qua các chủ đề gắn kết cùng bối cảnh cuộc sống thật của các em.
Khi biên soạn Đạo đức 1, để tăng tính hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả cho việc dạy và học môn học này, nhóm tác giả đã khai thác các tiêu chí cụ thể bằng việc phác thảo ma trận:
- Bám sát mục tiêu và yêu cầu cần đạt, dạng thức hoạt động theo ma trận có thể tải được mục tiêu và yêu cầu cần đạt nhưng vừa sức và phù hợp với đặc trưng của môn học;
- Nghiên cứu, chọn lọc các ngữ liệu thu thập được của nhóm thông qua các đề tài khoa học có liên quan, thông qua việc đánh giá, phân tích các ngữ liệu hiện có của các bộ sách: Đạo đức, Giáo dục lối sống, Rèn luyện kỹ năng sống để chọn lọc các ngữ liệu vào kho lưu trữ theo chủ đề sao cho thật phù hợp, gần gũi;
- Sử dụng kỹ thuật thu thập nhanh các ngữ liệu thực tiễn từ cuộc sống thông qua các diễn đàn dành cho cha mẹ, GV với sự chắt lọc và điều chỉnh phù hợp. Nguồn dữ liệu thực tiễn còn được thu thập thông qua kinh nghiệm của các GV được khai thác theo kênh facebook: bình luận câu chuyện cho trẻ em;
- Khai thác các ý tưởng phục vụ cho hoạt động cụ thể với các câu chuyện, tranh vẽ hay bộ tranh từ các tác giả theo hướng gần gũi và gắn với đời sống của HS;
- Phản biện theo kỹ thuật Sáu chiếc mũ của tư duy để chọn lọc các câu chuyện thiết thực và hấp dẫn với HS;
- Sử dụng các hình thức kể chuyện sáng tạo: kể chuyện kết nối tranh, kể chuyện thay đổi lời kết, kể chuyện theo tranh... trên nhóm HS thực nghiệm để có thể điều chỉnh các ngữ liệu phù hợp.
SGK Đạo đức 1 là tài liệu tâm huyết của các tác giả. Không chỉ HS rung cảm, suy nghĩ mà chính các tác giả cũng nghĩ suy, trăn trở và trải nghiệm sâu sắc hơn khi viết cho các em bằng những rung cảm và sự tư duy đa chiều.
TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI 1 (Tác giả: Nguyễn Hữu Đĩnh (Tổng chủ biên), Phan Thanh Hà (Chủ biên), Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Hồng Liên).
SGK Tự nhiên và Xã hội 1 là cụ thể hóa của chương trình Tự nhiên và Xã hội. Theo đó, sách thể hiện những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong chương trình.
Sách được biên soạn với mục đích: Cung cấp kiến thức khoa học, chính xác; Xây dựng những con đường học tập cho HS; Hình thành cho HS những kĩ năng và thái độ thiết yếu phù hợp với lứa tuổi nhằm phục vụ hoạt động dạy và học ở trường tiểu học theo chương trình môn Tự nhiên và Xã hội ban hành tháng 12 năm 2018.
HS theo gợi ý hướng dẫn trong sách sẽ thực hiện các 'hoạt động học' trên cơ sở tương tác với hình ảnh, trải nghiệm với thực tế, các bạn, thầy cô giáo và xã hội để hình thành kiến thức, kĩ năng và thái độ cho bản thân mình.
Ngoài ra, GV cũng có thể sử dụng sách này để xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức các hoạt động học tập, giúp HS rèn luyện các kĩ năng học tập.
Tự nhiên và Xã hội 1 được cấu trúc khoa học, dễ tra cứu và sử dụng. Nội dung sách được thiết kế thành 6 chủ đề gồm: 26 bài học, 6 bài ôn tập và đánh giá cuối chủ đề.
Sách được trình bày có sự phối hợp giữa kênh hình và kênh chữ:
- Kênh hình đầu tư công phu tạo sự thu hút, hấp dẫn HS. Kênh hình là một phần nội dung kiến thức môn học; gợi mở 1 số cách thức tổ chức hoạt động; một số nội dung hình thể hiện sản phẩm mong đợi đạt được từ HS.
- Kênh chữ trình bày ngắn gọn, từ ngữ gần gũi, thân mật. Kênh chữ là tóm lược nội dung kiến thức; là tiêu đề nội dung có thể dưới hình thức câu hỏi (mở), mệnh đề định hướng hoạt động; là các đối thoại qua bóng nói “làm mẫu” về cách học cho HS.