Là một trong những lực lượng tiếp xúc ban đầu với người nghi nhiễm, các bác sĩ, điều dưỡng, lái xe tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội ngày đêm chuyên chở hàng trăm người đến nơi cách ly, đối diện với nhiều rủi ro và thách thức.
Ảnh: Zing
Người cách ly được đeo khẩu trang và găng tay trước khi lên xe. Với chuyến vận chuyển thường, bác sĩ và điều dưỡng luôn phải túc trực bên cạnh để theo dõi các dấu hiệu của người bệnh, còn với những chuyến đi như thế này, kíp trực và người nghi nhiễm được giữ khoảng cách tối đa có thể và không giao tiếp trên xe.
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội, cho biết hiện mỗi ca trực có 15 xe, trong đó có 5 chiếc đặt tại trạm trung tâm. Mỗi kíp gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và một lái xe. Một kíp có thể thực hiện 8-10 chuyến/ca trực. Tính trung bình mỗi chuyến kéo dài 2 tiếng thì việc thức trọn 24h là điều bình thường. Những chuyến đi có khi quá giờ giao ban (8h sáng mỗi ngày) nên việc hoàn tất một ca trực đến gần trưa hôm sau là việc thường xuyên diễn ra ở đây.
Ảnh: Zing
“Sau khi Hà Nội ghi nhận ca mắc thứ 17, các ca nghi nhiễm tăng đột biến, khi đi thu dung, chúng tôi luôn luôn phải mặc đồ bảo hộ, nóng bức và hơi bất tiện. Mỗi lần xuất hiện ở đâu, người dân đều sợ sệt đi chỗ khác hoặc đứng từ xa bàn tán. Rồi cũng quen”, một bác sĩ chia sẻ.
“Có những cuộc gọi tỏ ra khá gấp gáp khiến chúng tôi lập tức lên đường, đến nơi mới biết là trò đùa. Cả kíp cũng đã quen với việc này, cũng chỉ động viên nhau không có ai bị sao là tốt rồi. Nhưng vào những lúc có ca cần cấp cứu thật lại không có xe chạy đến đó, chúng tôi thực sự áy náy”.
Trong 10 cuộc gọi đến trung tâm, có đến 3-4 cuộc số máy ảo, trêu đùa. Anh Tân cho biết: “Có những số điện thoại một ngày gọi đến vài lần đến mức chúng tôi thuộc cả số, nếu không bắt máy thì họ vẫn tiếp tục gọi cho bằng được thì thôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải nghe vì biết đâu có một lần nào đó họ cần cấp cứu”.
Ảnh: Zing
Công việc đi thu dung người nghi nhiễm được đặt lên hàng đầu, đỉnh điểm đêm ngày 7/3 lên đến 120 chuyến. Tuy nhiên, trung tâm vẫn phải đảm bảo các hoạt động cấp cứu khác diễn ra bình thường.
"Do người dân hạn chế ra ngoài nên những ca cấp cứu tai nạn giao thông giảm khoảng 30-40% nhưng những người đột quỵ, chấn thương... vẫn liên tục dồn về. Mỗi người chúng tôi phải làm việc gấp 2, gấp 3 ngày trước", bác sĩ Thắng cho hay.
Ảnh: Zing
Tại Trung tâm cấp cứu 115, bác sĩ mới vào làm có mức lương khoảng 3,5 triệu đồng, bác sĩ có thâm niên 10-15 năm là 7,5 triệu đồng, điều dưỡng và lái xe thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng, tổng đài viên có lương từ 4-6 triệu đồng. Họ làm việc quá 24 tiếng và thời gian nghỉ ngơi chưa đầy 40 tiếng để bắt đầu môt ca trực mới, gần như không ai có khả năng làm thêm công việc khác.
Cách đây không lâu, một hình ảnh của nam tài xế tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng. Nhìn hình ảnh này có lẽ ai cũng phải cay cay sống mũi vì sự hy sinh thầm lặng không một lời than trách của rất nhiều tập thể, cá nhân.
Ảnh: Internet
Được biết, đây là hình ảnh chụp lại một nam tài xế chở mọi người từ sân bay về tới Ninh Bình để cách ly. Khi vừa về đến nơi, không thể cố gắng được thêm nên bác đã nằm gục trên vô lăng, hơi thở rất mệt nhọc.
Bác chia sẻ rằng, bác đã đi liên tục bao nhiêu ngày mà không được về nhà, hết chuyến này bác cũng sẽ phải cách ly 14 ngày rồi mới được về với gia đình. Trong trận chiến đâu này, biết ai cũng đều mệt, nhưng vì công việc, vì Tổ quốc nên ai cũng đều cố gắng, ai cũng hết lòng mà không nghĩ đến bản thân.
Trước hình ảnh của bác tài xế này đã có rất nhiều những hình ảnh thể hiện sự hi sinh thầm lặng đã được chia sẻ trước đó. Từ khi dịch bệnh COVID- 19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã nỗ lực không ngừng và luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Ảnh: Internet
Trong bất cứ trận chiến nào cũng phải có sự hy sinh và sự hy sinh đó luôn là những sự hy sinh thầm lặng nhất. Có nhiều bác sĩ thậm chí vài tháng rồi không được về nhà, bác tài xế thậm chí không được ngủ hay thậm chí anh nhân viên đứng suốt cả ngày dài để cầm chai nước sát khuẩn cho mọi người.
Ảnh: Internet
Họ vẫn hàng ngày, hàng đêm cố gắng mà không cần bất cứ sự ghi nhận nào mà họ chỉ mong muốn đất nước Việt Nam mau chóng vượt qua, người dân sẽ nhanh chóng được trở lại cuộc sống bình thường.