Năm học 2018- 2019 là năm học tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”; và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” Đối với cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục nói chung và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Phan Đình Giót nói riêng, ai cũng nhận thức rằng: Trong ngành giáo dục, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác có lẽ không phải là phải làm những gì thật cao siêu, to tát, mà ngay từ từng giờ lên lớp và trong cuộc sống giản dị đời thường. Tấm gương cô giáo Trần Thị Quỳnh An, một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm luôn là tấm gương cho thế hệ các thầy cô, giáo trẻ như chúng tôi noi theo.
Vào nghành từ năm 1989, đến nay đã 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô Quỳnh An đã tạo được sự yêu mến của lớp lớp thế hệ học trò, sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh và sự tôn trọng của bạn bè đồng nghiệp.
Sự ái mộ của tôi với cô Quỳnh An không phải vì cô “sở hữu” những bằng khen, giấy khen các cấp như các giáo viên giỏi khác; không phải vì sự khéo léo, hoạt bát trong quan hệ với đồng nghiệp và cũng không phải năng lực chuyên môn cao siêu đáp ứng thời đại công nghệ mới; mà sự cảm kích, yêu mến của tôi dành cho cô là ở sự giản dị, chân thành, mộc mạc của người giáo viên nhân dân.
Cô giáo Quỳnh An say sưa nghiên cứu bài dạy
Có thể nói, ở trường Tiểu học Phan Đình Giót, cô Quỳnh An là một trong số ít những giáo viên gắn bó với trường từ những ngày đầu tiên thành lập. Bao nhiêu năm công tác trong ngành cũng là chừng ấy năm cô gắn bó với mái trường này. Sự dung dị, mộc mạc và nhẹ nhàng là những từ mà khi hỏi nhận xét về cô, tôi tin chắc rằng, ai cũng sẽ nói như vậy.
Cô giáo Quỳnh An cùng Tập thể giáo viên Khối 1 và BGH nhà trường.
Với đức tính giản dị, ham học hỏi, cô giáo Quỳnh An luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên nhân dân, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học truyền dạy cho học trò những kiến thức văn hoá trên bục giảng, cũng như vốn kiến thức sống sau này.
Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ ngoại khoá, cô giáo Quỳnh An luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi với học trò, coi học trò là những người con của mình. Đây là những phẩm chất tốt tạo niềm tin yêu, kính trọng đối với các em học sinh. Học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ học tập là một trong những nguồn động viên lớn khích lệ cô phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại niềm tin yêu kính trọng của học trò.
Nhiều năm học, lớp do cô Quỳnh An làm chủ nhiệm có những đối tượng học sinh đặc biệt. Đặc biệt vì hoàn cảnh gia đình có, đặc biệt vì lý do sức khỏe cũng có, song với tình yêu trẻ như người mẹ hiền, bằng sự tận tâm của tấm lòng tốt bụng và sự tận tụy của một nhà giáo đầy tinh thần trách nhiệm, những em học sinh đặc biệt ấy luôn luôn nhận được sự dạy dỗ ân cần nhiều hơn từ nơi cô và dần trưởng thành qua năm tháng. Với sự biết ơn sâu sắc và tình cảm chân thành, bao thế hệ học trò lại ùa về bên cô vào mỗi mùa tựu trường hay dịp lễ kỉ niệm của ngành 20/11 như về bên Mẹ hiền sau bao năm xa cách và người mẹ ấy lại dang rộng vòng tay, ôm ấp lấy các con thơ.
Cô giáo Quỳnh An với phong trào thi đua Dạy tốt – Học tốt
Hoạt động ngoại khóa của lớp 1A3 do cô Quỳnh An là chủ nhiệm
Những hình ảnh ấy làm tôi thấy thực sự xúc động và tin tưởng, gắn bó hơn với sự ngiệp trồng người mà mình đã chọn.
Là một giáo viên giàu kinh nghiệm, bên cạnh sự vững vàng về chuyên môn, cô Quỳnh An, vẫn luôn học hỏi thêm để ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy, bắt kịp với giáo dục trong thời đại mới. Với tác phong nhẹ nhàng, truyền cảm cô Quỳnh An đã dẫn dắt các em học sinh vào bài giảng một cách tự nhiên, truyền đạt nhẹ nhàng nên các em ghi nhớ bài học rất thoải mái. Với đồng nghiệp, đặc biệt với những giáo viên trẻ cùng khối như tôi luôn nhận được sự chỉ bảo tận tình từ cô. Còn nhớ những năm chập chững bước vào nghề, tôi được cô khuyến khích, động viên nên phần nào có thêm tự tin. Những bài giảng đầu đời cũng được cô ân cần giúp đỡ chỉnh sửa. Tủ sách của cô Quỳnh An là cả một kho tư liệu quý giá, phục vụ đắc lực cho việc bồi dưỡng chuyên môn. Chính sự chỉnh chu, nghiêm túc, sự say nghề, tích lũy vốn kiến thức chuyên môn được tôi học tập từ cô. Với công tác đoàn thể cô tham gia rất nhiệt tình. Cô luôn sẵn sàng tham gia, ủng hộ hết mình và còn động viện đồng nghiệp cùng tham gia. Với đồng nghiệp, cô là người sống giản dị, hòa đồng, thẳng thắn, rất tình cảm trong giao tiếp ứng xử và giải quyết công việc. Cô đối xử với mọi người rất chân tình, dễ gần. Thầy cô giáo trong trường ai có việc vui hay buồn đều được cô chia sẻ, giúp đỡ.
Hình ảnh cô Quỳnh An hòa đồng trong tập thể giáo viên của trường trong chương trình “Xuân yêu thương 2019”.
Tập thể giáo viên khối 1 chung vui tại nhà cô Quỳnh An
Ở gia đình, cô Quỳnh An còn là một người dâu thảo, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực, luôn cố gắng chăm sóc cho mái ấm bằng tình thương của mình. Cô luôn sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian chăm lo gia đình, giúp gia đình nhỏ của cô luôn êm ấm, hạnh phúc, con ngoan, học giỏi. Sự thành đạt, giỏi giang, ngoan ngoãn của hai người con trai cô khiến tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ. Theo cô, chăm sóc gia đình là một trách nhiệm thiêng liêng của người phụ nữ, là niềm an ủi, cũng như tạo thêm sức mạnh giúp bản thân vươn lên trong cuộc sống, trong công việc, trong việc thực hiện phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”.
Ba mươi năm đứng trên bục giảng, gắn bó với nghề làm thầy, thực hiện sứ mệnh trồng người, những cống hiến mà cô giáo Trần Thị Quỳnh An thật đáng trân trọng. Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn, cùng với tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cô đã vinh dự được nhận kỉ niệm chương: “Vì sự nghiệp Giáo dục”. Hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” chắc chắn là hình ảnh đẹp nhất, khắc sâu trong tấm trí những thế hệ học trò từng được học cô.