Chúng ta chiến thắng kẻ thù hung bạo không chỉ bằng lưới lửa phòng không của thế trận chiến tranh nhân dân mà còn bằng vũ khí văn hóa: Âm nhạc. Đúng vào thời khắc ác liệt nhất, ca khúc Hà Nội Điện Biên Phủ của nhạc sỹ Phạm Tuyên vang lên hào sảng và đanh thép.
Dù có đi bốn phương trời, mỗi người Việt Nam yêu nước đều không thể quên 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 quân và dân ta kiên cường chiến đấu đập tan cuộc tập kích bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội. Là người con của Thủ đô, lại là nhạc sỹ, Phạm Tuyên theo dõi cuộc chiến đấu của quân và dân ta với chí căm thù quân xâm lược sâu sắc cùng với niềm tin chiến thắng. Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại:
“Do biết trước giặc Mỹ sẽ dùng máy bay B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, trên chủ trương sơ tán nhân dân, các cơ quan ra khỏi Thủ đô. 4 giờ sáng ngày 19 tháng 12, chúng ném bom Mễ Trì, nơi đặt trạm phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Hôm sau chúng lại ném bom bệnh viện Bạch Mai. Hà Nội được lệnh sơ tán triệt để. Vợ con tôi cũng theo đoàn người sơ tán ra khỏi Hà Nội. Được cấp trên thông báo tình hình chiến sự, tôi tình nguyện ở lại trực cơ quan. Sau cuộc ném bom đêm 19 tháng 12, tôi cùng mấy anh em chuyển lên làm việc tại trụ sở chính của Đài ở 58 Quán Sứ. Đêm 26 tháng 12, chúng lại ném bom Hà Nội ác liệt hơn. Sáng 27 giao ban, đồng chí Trần Lâm - Giám đốc Đài nói: Quân ủy kiên quyết chống chiến tranh phá hoại của địch, ta sẽ đánh cho địch một trận Điện Biên Phủ trên không. Đúng vào thời khắc này, tiếng Điện Biên Phủ nghe sao nghẹn ngào, thiêng liêng đến thế. Ngay đêm ấy, trong căn hầm trú ẩn ở 58 phố Quán Sứ, tôi viết Hà Nội Điện Biên Phủ. Nhớ lời dạy của Bác với văn nghệ sỹ, thông qua tác phẩm, tôi muốn truyền tải sự quyết liệt, ý chí mạnh mẽ của người Hà Nội chống kẻ thù xâm lược. Sáng ngày 28, ông Trần Lâm hỏi: Hôm qua Phạm Tuyên làm gì mà hý hoáy cả đêm thế? Niềm vui đang dâng trào, tôi hát cho ông nghe ca khúc vừa mới hoàn thành. Nghe xong, ông nói: Sự quyết liệt này đúng là của Hà Nội Điện Biên Phủ trên không đấy, cậu đem sang báo Nhân Dân ngay.
Tôi đạp xe sang báo Nhân Dân trong tâm trạng háo hức, nhưng đến nơi, cơ quan báo cũng sơ tán hết. Rất may, tôi gặp nhà báo Thép Mới và Hữu Thọ. Nghe tôi hát bài này xong, hai ông rất tâm đắc và nói Báo Đảng phải đăng ca khúc này lập tức. Nhưng đăng sao bây giờ, bài hát là do tôi chép tay. Sau đó hai ông đề nghị tôi tìm ai có chữ đẹp một chút để chép lại rồi gửi ngay cho báo đăng. Tôi vội đạp xe về nhờ nhạc sỹ Phan Nhân chép lại ca khúc. Và ngày hôm sau, 29 tháng 12, báo Nhân Dân đăng Hà Nội Điện Biên Phủ. Nhưng ca khúc chỉ thực sự có giá trị khi được vang lên bởi âm thanh. Chiều ngày 29 tháng 12, tuy các diễn viên Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam đi sơ tán hết song 4 anh em chúng tôi gồm Phạm Tuyên, Trần Thụ, Mạnh Hà và Hoàng Mãnh vẫn quyết thu bài hát để kịp thời truyền tải ý chí kiên cường của người Hà Nội. Thế là Hoàng Mãnh đệm đàn piano, còn 3 người hát bài Hà Nội Điện Biên Phủ. Tối hôm đó, trong chương tình Tiếng hát về miền Nam, bên cạnh những bài thơ, Hà Nội Điện Biên Phủ, lần đầu tiên vang lên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Hà Nội Điện Biên Phủ là tác phẩm được nhạc sỹ Phạm Tuyên viết bằng trái tim một nghệ sỹ và ý chí kiên cường của người Hà Nội. Ca khúc có nhịp đi hùng mạnh, lời ca rõ ràng, khúc triết như tiếng nói đanh thép của quân và dân Hà Nội với kẻ thù: Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời / Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời / Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu /Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù / Mặt trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng / Hà Nội ơi đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội của chúng ta / Trong trận Điện Biên mới oai hùng / Sáng rực hào quang chiến thắng /Hà Nội ơi dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương / Ta bước trên đầu thù / Tự hào thay dáng đứng Việt Nam / Một điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi.
Đến tháng Chạp này, ca khúc Hà Nội Điện Biên Phủ của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã có đời sống trong lòng công chúng 40 năm. Vào dịp này khi quân và dân ta đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ca khúc lại vang lên hào sảng, tự hào.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên sinh ngày 12 tháng 1 năm 1930 tại Hà Nội. Ông sáng tác âm nhạc khá sớm, năm 1949, lúc mới 19 tuổi chàng trai trẻ Phạm Tuyên đã viết bài Vào lục quân. Sau hòa bình năm 1954, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ trước, là thời kỳ sáng tác nở rộ của ông. Những năm này ông viết đều tay, nhanh nhạy, kịp thời. Âm nhạc của ông đi vào nhiều đề tài của cuộc sống, luôn tìm tòi thể hiện để các tác phẩm đến với công chúng một cách tự nhiên nhất.
Trong thời kỳ chống Mỹ, ngay từ những ngày đầu tiên ông đã có mặt tại những nơi nóng bỏng bom đạn. Năm 1964, tại Quảng Bình ông có Bám biển quê hương. Phản ánh khí thế sản xuất khẩn trương và chiến đấu của quân và dân miền Bắc thời kỳ này ông viết Lá thư hậu phương (1964), Yêu biết mấy những con đường (1966), Chiếc gậy Trường Sơn (1967), Đêm Cha Lo (1971)…
Phạm Tuyên là một trong những tác giả có nhiều ca khúc được quần chúng yêu thích. Với ông, những điều tưởng như bình thường nhất của cuộc sống cũng có thể cất lên tiếng hát. Với những đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng, nhạcsỹ Phạm Tuyên đã được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tác giả: Sưu tầm