Nằm sâu trong ngõ 281, ngách 751, hẻm 151, phố Trương Định, Hà Nội, là ngôi nhà của bà Phạm Thị Viễn, công nhân Nhà máy Cơ khí Mai Động. Nhìn người phụ nữ tóc đã pha sương đang chăm chút bón cho đứa cháu nội chưa tròn tuổi từng thìa ăn dặm, không quá khó để nhận những đường nét của cô gái trắng khăn tang trên mâm pháo cao xạ năm nào. Cô gái đó cũng là người đã lập chiến công bắn hạ máy bay siêu thanh F111 A của không quân Hoa Kỳ hồi 40 năm về trước.
Nghe nhắc đến những ngày cuối tháng chạp năm 1972, giọng bà chùng xuống, ký ức dội về những năm tháng đau thương nhất trong cuộc đời bà. Sinh năm 1951 trong một gia đình đã nghèo lại khá đông con, năm 1966, bà phải khai tăng tuổi để vào học nghề tại Nhà máy cơ khí Mai Ðộng. Sau đó, bà chính thức làm công nhân thợ nguội.
Đất nước đang chiến tranh, bà vừa phải tăng ca sản xuất vừa tham gia chiến đấu. Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Trong một lần máy bay địch đánh phá, rải bom bi xuống khu vực Hoàng Mai, mẹ bà Viễn trúng bom. Bản thân bà Viễn cũng bị thương bởi vệt bom này. Biết tin mẹ mất, nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của ngôi nhà, bà ôm cậu em trai 4 tuổi khóc. Đầu hai chị em trắng vành khăn tang. Năm đó, bà Phạm Thị Viễn 17 tuổi. “Ngay ngày hôm sau, nghe tin tự vệ Nhà máy được tập trung cao độ để tăng cường sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tôi lập tức nộp đơn và được Ban chỉ huy chấp thuận, kết nạp vào đội tự vệ”- giọng bà Viễn thoáng nghẹn ngào.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ đem B52 rải thảm bom xuống Thủ đô với âm mưu tàn độc “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, bà Phạm Thị Viễn tham gia trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Hỏa lực của Trung đội súng máy cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động là hai khẩu 14,5mm với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu phía Nam thành phố trước các máy bay chiến thuật của địch như: Nhà máy dệt 8/3, nhà máy Cơ khí Mai Động; nhà máy dệt Minh Khai, nhà máy bánh kẹo Hải Châu và các trận địa pháo 37mm, 100mm của bộ đội khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động, Vân Đồn… “Trong những ngày đó, tôi thường từ trận địa về nhà lấy gạo mang đi. Bố tôi thường cẩn thận dặn dò con, nào là việc ăn ở nơi tập thể khi xa gia đình đến việc qua lại trông nom nhà cửa mỗi lúc ông đi thăm các em...”- Bà Viễn nhớ lại.
Nói tới chiến công vào chiều 22/12, giọng bà Viễn trở nên sôi nổi hẳn, bà bảo: Đó là chiến công của cả tập thể. Ðêm hôm trước, khu tập thể Tổ rập của Nhà máy bị bom đánh trúng. Anh em trong đơn vị vừa khẩn trương cứu người bị thương, vừa đưa người chết đi mai táng gần trận địa. Ai cũng căm hờn lũ “giặc trời”. Ý chí quyết tâm chiến đấu đánh trả lũ “con ma”, “thần sấm”, “cánh cụp cánh xòe”, đánh trả B52 sôi sục trong con tim, khối óc những nữ tự vệ tuổi mới trên dưới đôi mươi.
Khoảng 14h ngày 22/12, đất trời Hà Nội chìm trong khói lửa. Bom đạn nổ inh tai nhức óc. Trận địa pháo ở Vân Đồn gồm hai khẩu pháo cao xạ của Nhà máy cơ khí Lương Yên, một khẩu của Nhà máy Gỗ và hai khẩu của Nhà máy cơ khí Mai Ðộng, vẫn trụ vững vàng. Chỉ huy liên đội tự vệ này là trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan trẻ vừa được Quân khu Thủ đô điều ra hỗ trợ.
Những người con gái làm nên bản anh hùng ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh sưu tầm)
“Khoảng 20 giờ 30 phút, mặc bom đạn gào rít chung quanh, anh chị em chúng tôi căng mắt đón chờ máy bay tầm thấp. Trong những luồng chớp lửa, chúng tôi nhìn nhau, gương mặt ai cũng hốc hác, đôi mắt rực lửa. Lúc này, một tốp F111 A xuất hiện. Chúng bay thấp, dọc sông Hồng. Anh Hoàng Minh Giám kiên nhẫn đợi rồi hạ lệnh: ‘Một điểm xạ ngắn, bắn!’. Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa. Tôi ở vị trí pháo thủ số 1 nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay trúng đạn, phần đuôi của nó lóe sáng. Chừng 30 phút sau, một chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy vào báo tin: Các chị vừa bắn phải không. Một máy bay F111A trúng đạn rơi rồi nhé. Nghe thế, tôi cùng các anh chị em trong khẩu đội ôm nhau hò reo, vui mừng khôn xiết”- bà Viễn bồi hồi nhớ lại.
Mấy ngày sau, bom Mỹ tiếp tục dội xuống. Trận địa pháo cao xạ của bà Viễn không một phút thảnh thơi. Các nữ pháo thủ thay phiên nhau trên mâm pháo. Ngày 26 tháng 12, Hà Nội bị đánh phá ác liệt. Còi báo động chốc chốc lại rú lên từng hồi. Khói lửa loang trời. Bom B52 rải thảm xuống các khu dân cư như phố Khâm Thiên, Yên Viên, Gia Lâm... Rạng sáng hôm sau, bà Viễn đang trực chiến thì hai người em gái bà chạy đến trận địa mang theo một tin dữ: "Bố bị bom thả chết rồi!". Bà Viễn như ngất đi. Ba chị em ôm nhau khóc.
“Chúng tôi không sao tìm được thi thể bố. Căn hầm nơi ông thường ẩn nấp, lúc đó chỉ là một hố bom sâu hoắm. Mãi ba ngày sau, mới tìm thấy bố nhưng chỉ còn một phần thân thể rách nát. Tôi chỉ nhận ra ông qua vạt áo bông đẫm máu. Đó là lần thứ hai trong vòng năm năm tôi phải để tang cả cha lẫn mẹ vì bom đạn quân thù”- bà Viễn nghẹn ngào kể lại.
Sau đó mấy ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Nhìn thấy cô pháo thủ trẻ đầu trắng khăn tang đang ngồi bên mâm pháo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu liền hỏi thăm hoàn cảnh. Câu chuyện của bà Viễn khiến nhà thơ Tố Hữu hết sức xúc động. Ông ân cần thăm hỏi, động viên bà hồi lâu. Một thời gian ngắn sau đó, có người mang tặng bà bài thơ "Việt Nam máu và hoa" của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ ấy có bốn câu mà bà nhớ mãi:
"...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù
Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”
Sau chiến dịch "Ðiện Biên Phủ trên không", bà Phạm Thị Viễn vẫn cùng trung đội tự vệ vừa sản xuất, vừa trực chiến. Năm 1979, Nhà máy được trang bị thêm một đại đội pháo 37mm, với cương vị đại đội phó, bà gắn bó với trận địa mãi đến năm 1989 mới trở lại nhà máy làm việc. “Năm 1991, do hoàn cảnh gia đình, tôi xin về hưu với mức lương khiêm tốn. Cũng vất vả bươn chải đủ nghề để nuôi dạy đàn con khôn lớn trưởng thành. Còn bản thân tôi, được tín nhiệm bầu làm tổ phó tổ dân phố 49 - khu dân cư 10 (phường Tương Mai)”- bà Viễn nói.
Tác giả: Sưu tầm