Trận đầu tiên của anh lính mới
Sau bao thăng trầm của cuộc sống thời loạn lạc, Nguyễn Đình Kiên chính thức nhập ngũ năm 1966, được biên chế vào Sư đoàn phòng không 367 (một sư đoàn cơ động chủ lực của Quân chủng Phòng không – Không quân) khi đang là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp. Trải qua một vài lớp huấn luyện chuyên môn và sự thay đổi về đơn vị, anh lính trẻ thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi Nguyễn Đình Kiên được phân công làm sĩ quan điều khiển kíp 2 Tiểu đoàn tên lửa 92 thuộc Trung đoàn 278. Trong thâm tâm người lính ấy luôn khát khao được trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt máy bay địch. Đặc biệt sau không khí chiến thắng của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 càng thôi thúc Nguyễn Đình Kiên và đồng đội quyết tâm ra quân đánh thắng.
Một dịp may hiếm có đến với kíp chiến đấu của Nguyễn Đình Kiên. Đó là vào đêm 23 tháng 2 năm 1968, lệnh báo động vang lên, anh nhanh nhẹn chạy lên xe điểu khiển, vào vị trí của mình tiến hành kiểm tra chức năng đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của đài điều khiển. Mệnh lệnh chiến đấu được phát ra, anh nhanh chóng quay an-ten đài điểu khiển về hướng máy bay địch, phát hiện một tốp máy bay địch ở phía nam-tây nam tiểu đoàn và đang hướng về phía Hà Đông, trong đó có một máy bay địch ở cự ly 35 km. Chuyển giao tay quay cho ba trắc thủ cùng kíp, Nguyễn Đình Kiên làm công tác chuẩn bị bắn trực tiếp và hoàn thành sau vài chục giây, xác định mục tiêu ổn định, đề nghị được tiêu diệt. Sau khi ấn nút “phóng”, một tiếng nổ “rầm”của quả tên lửa đã rời khỏi bệ. 6 giây chờ đợi tên lửa vào cánh sóng với Kiên lúc này sao thật lâu đến vậy. Từ màn hình hiện sóng xuất hiện một vệt sáng và cửa sóng chờ nhảy ra chộp lấy vệt sáng, đó là dấu hiệu cho ta biết tên lửa có điều khiển. Anh hô to: “Quả 1 có điều khiển, phóng quả 2, cự ly 20”. Sau mấy giây, quả đạn thứ 2 cũng gặp máy bay địch. Trận đánh tuy không bắn rơi máy bay địch nhưng với Nguyễn Đình Kiên và kíp chiến đấu của anh có một ý nghĩa quan trọng. Trận đánh đó như là kỳ sát hạch để khẳng định Kiên và đồng đội có đủ khả năng tham gia chiến đấu hay không. Đó cũng chính là những giây phút giúp anh lính mới tham gia trận đầu vượt qua được cảm giác hồi hộp, lo lắng thật khó diễn tả bằng lời. Sau này, Nguyễn Đình Kiên còn ấn nút để đưa hàng trăm quả đạn tên lửa vào quỹ đạo diệt máy bay địch nhưng cảm giác như trận đầu tiên thì không bao giờ trở lại nữa.
Chiến công đầu tiên của Nguyễn Đình Kiên được xác lập vào ngày 18 tháng 12 năm 1971. Theo lệnh phát sóng của chỉ huy, Kiên đã tóm gọn được một máy bay Mỹ trong cánh sóng đài điều khiển ở cự ly khá xa. Với thao tác chính xác, khẩn trương, Kiên chủ động cùng kíp trắc thủ xác định tính chất, phần tử di chuyển của mục tiêu và báo cáo chỉ huy. Quả đạn đầu tiên được phóng lên lao nhanh về phía kẻ thù, lúc tên lửa ta cách địch 2 km, rồi gần hơn, 1 km và hai tín hiệu chập vào nhau. Tín hiệu đạn mất, một đốm sáng bùng lên, “đạn đã nổ” kết liễu chiếc F-4 Mỹ. Sau mấy năm làm sĩ quan điều khiển, với trận đánh thứ ba đã mang lại niềm tin, niềm tự hào cho Nguyễn Đình Kiên và tiểu đoàn tên lửa 57. Trận thắng ngày 18 tháng 12 năm 1971 có thể gọi là “cơ duyên” đánh dấu một trận hiệp đồng chiến đấu rất tốt giữa tên lửa và không quân mà sau này Kiên cùng đồng đội mới được biết. Thì ra tốp máy bay địch mà kíp chiến đấu của Nguyễn Đình Kiên vừa tiêu diệt một chiếc chính là tốp chúng đang truy kích không quân ta sau khi hoàn thành nhiệm vụ đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Sự chi viện kịp thời của tiểu đoàn tên lửa 57 đã đảm bảo cho không quân Việt Nam hạ cánh an toàn.
12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội
Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, Quân chủng Phòng không-Không quân đã tổ chức tập huấn “Cách đánh B-52” cho kíp chiến đấu các tiểu đoàn tên lửa và cán bộ, chỉ huy, tham mưu toàn quân chủng trong mấy ngày. Trong kết luận tập huấn, Nguyễn Đình Kiên nhớ mãi lời đồng chí Tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri nhắc nhở: “…bộ đội tên lửa phải bắn rơi tại chỗ ít nhất một chiếc B-52 để lấy “đuôi” của nó bổ sung vào bộ sưu tập xác máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc”. Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh quân chủng, tiểu đoàn tên lửa của Nguyễn Đình Kiên đã nhanh chóng lập kế hoạch đánh B-52 bảo vệ bầu trời Hà Nội và được cấp trên phê chuẩn. Sau khi có kế hoạch chiến đấu đánh B-52, Kiên “bóc” các đường bay làm những tình huống cụ thể để hàng ngày tổ chức luyện tập cho kíp chiến đấu.
Trong tối ngày 18-12, tiểu đoàn tên lửa 57 đã đánh 6 trận, tiêu thụ 11 quả đạn mà vẫn chưa diệt được máy bay B52 nào khiến kíp chiến đấu rất sốt ruột. Cả ngày 19-12, mặc dù đơn vị vẫn báo động chuyển cấp mỗi khi không quân chiến thuật vào đánh phá Hà Nội nhưng kíp chiến đấu vẫn tranh thủ rút kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân chưa đánh trúng, đánh rơi B52. Trong khi đó, tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 261 đã bắn rơi tại chỗ một B-52 tại Phủ Lỗ. Điều này càng thôi thúc lòng quyết tâm của Kiên và đồng đội. Khí thế đã như ngọn đuốc nay lại càng bừng cháy, khao khát tiêu diệt B-52 hơn. Khoảng 19 giờ 40 phút ngày 19 tháng 12, cả kíp của Nguyễn Đình Kiên bước vào trận đánh mới với tâm trạng háo hức lập chiến công. Sau khi quay một vòng kiểm tra nhiễu, Kiên đưa an-ten về hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng thông báo tình hình trên không và nhận định: địch sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập kích đường không bằng B-52 vào Hà Nội. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên rê tay quan sát nhiễu. Một góc rộng từ phương vị 240 đến 350 đều có nhiễu trắng xóa, chứng tỏ địch tổ chức đánh lớn. Theo chỉ thị của Tiểu đoàn trưởng, Kiên chọn một dải nhiễu sáng ít quét, có tốc độ góc ổn định giao cho trắc thủ bám sát và tiến hành kiểm tra đồng nhất. Phương án cũ đánh B-52 là sử dụng 3 đạn nhưng trận hôm nay chỉ sử dụng 2 đạn bởi gặp vấn đề về bảo đảm tiết kiệm đạn. Mọi công việc chuẩn bị xong xuôi, được lệnh phóng của chỉ huy, Kiên tiến hành phóng 2 đạn ở cự ly 28 và 27 km. Cả hai đạn điều khiển tốt. Khi quả đạn thứ nhất cách mục tiêu 2 km, Kiên mở ngòi nổ 11 giây. Tên lửa thứ nhất đi đến cự ly 22 km thì nổ và trắc thủ cự ly cũng đọc mục tiêu cự ly 22. Trắc thủ quang học hô: “máy bay bốc cháy”. Cả kíp của Kiên lặng thinh một lúc chờ quả thứ 2 gặp mục tiêu xong và cùng vỡ òa sung sướng. Tiểu đoàn 57 mà giờ đây Nguyễn Đình Kiên đang công tác đã làm nên lịch sử, đạt được khát khao tiêu diệt “pháo đài bay” của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Cuộc chiến đấu “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn diễn ra ngày một khốc liệt. Không quân Mỹ liên tiếp tập kích vào Hà Nội cả ngày lẫn đêm khiến Kiên và đồng đội luôn giương cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Ngày 20, 21 tháng 12, liên tục đơn vị báo động chiến đấu. 5 giờ 9 phút ngày 21, kíp chiến đấu của Nguyễn Đình Kiên đánh trận thứ hai trên hướng đường bay Bắc – Tây Bắc. Vẫn bằng phương pháp “ba điểm” mở ngòi nổ 11 giây chậm và phóng ở cự ly gần là 28 km. Khi đạn còn cách máy bay khoảng 4 km thì cả hai màn hình hiện sóng của góc tà và phương vị dải nhiễu đang bám sát đều tách dải. Theo kinh nghiệm và kiến thức sẵn có, Kiên phản xạ: “Tà bám dải cao, phương vị dải phải”. Khi tên lửa cách máy bay địch 2 km, Kiên cho mở ngòi nổ 11 giây. Đến cự ly 23 km, tín hiệu tên lửa trên màn hiện sóng mất, các trắc thủ đồng thanh hô “mất nhiễu”. Trắc thủ quang học trên nóc xe thu phát báo về: “Mục tiêu bốc cháy rất to”. Một “pháo đài bay” đã bị tiêu diệt tại chỗ. Hướng Tây Bắc vẫn còn vài tốp nhiễu B-52 đang tiếp tục bay vào. Chỉ còn một quả đạn tốt, Kiên và đồng đội thao tác khẩn trương, chính xác, sẵn sàng chiến đấu. 5 giờ 19 phút, Nguyễn Đình Kiên ấn nút phóng quả đạn cuối cùng của tiểu đoàn vào tốp B-52 gần cuối của đợt đánh phá thứ ba trong đêm. Quả đạn điều khiển tốt và nổ ở cự ly 24 km, diệt tiếp chiếc B-52 thứ hai sau 10 phút. Một lần nữa, cảm xúc lại được vỡ òa lên bởi niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong 10 phút, Kiên cùng đồng đội lập chiến công tuyệt vời mà từ trước đến nay chưa ai làm được. Đó là trận đánh điển hình về hiệu suất chiến đấu cao, tiết kiệm đạn, thời gian di chuyển hỏa lực nhanh và tinh thần tiến công địch liên tục. Đêm hôm đó cả Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 7 chiếc máy bay B-52.
Các ngày 23, 24, 25, tiểu đoàn 57 không đánh trận nào vì địch hoạt động giãn ra khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên và lấy cớ nghỉ lễ noel để củng cố lực lượng. Ngày 26, 27, địch lại tổ chức đánh lại Hà Nội ác liệt hơn. Ngày 28, tiểu đoàn 57 bị địch đánh hỏng khí tài tại trận Đại Đồng. Ngày 29, Kiên cùng đồng đội đôn đáo giải quyết hậu quả còn lại ở trận địa cũ và tổ chức tìm trận địa mới, chuẩn bị triển khai sửa chữa khí tài để tiếp tục chiến đấu.. Đêm 29 tháng 12, Hà Nội nhằng nhịt trong chớp bom man rợ của kẻ thù. Tối 30 tháng 12, kẻ địch buộc phải ngừng ném bom Hà Nội và tái lập tình trạng như trước ngày 18 tháng 12, có nghĩa là chúng sẽ tiếp tục ném bom, bắn phá hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Như vậy, chiến dịch tập kích chiến lược vào Hà Nội của không quân Mỹ kết thúc và thất bại thảm hại. “Pháo đài bay siêu đẳng” B-52 đã nằm gục dưới chân thành Thăng Long lịch sử.
Anh hùng Nguyễn Đình Kiên xúc động nhớ lại: “Trong cuộc đời quân ngũ, chưa bao giờ tôi cảm thấy vất vả và ác liệt như 12 ngày đêm trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không”. Song tôi chưa bao giờ thôi phấn khởi, tự hào về binh chủng, đơn vị mình như thời gian này. Ngồi nghĩ lại những ngày đã qua, tôi cảm thấy không hổ thẹn với cuộc đời vì những ngày đó tôi đã sống và chiến đấu không phí hoài tuổi trẻ”.
Sau khi tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân Mỹ, bảo vệ Hà Nội năm 1972, Nguyễn Đình Kiên tiếp tục theo đuổi khát vọng được học tập. Ông là học viên khóa đào tạo chính quy đầu tiên của Trường Sĩ quan phòng không. Khi tốt nghiệp, ông có quyết định ở lại trường làm giáo viên chiến thuật phân đội, một bộ môn thuộc Khoa Xạ kích, chuyên đào tạo học viên sơ cấp. Sau khi tốt nghiệp lớp cao học quân sự khóa I tại Học viện Quốc phòng, năm 1995, Nguyễn Đình Kiên được điều động về làm Sư đoàn phó và sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không Hà Nội. Ông về nghỉ hưu vui vầy với cháu con sau khi công tác tại Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu.
Hơn 40 năm cống hiến trong quân ngũ cũng chừng ấy năm ông gắn cuộc đời mình với sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Riêng với bầu trời Hà Nội, Nguyễn Đình Kiên đã tham gia chống hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc. Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Chủ tịch nước ký quyết định năm 2010 là một phần thưởng vô cùng xứng đáng cho Đại tá Nguyễn Đình Kiên. Giờ đây trở lại với đời thường, sau nhiều năm lăn lộn với muôn nẻo đường đời, trong ánh mắt Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Đình Kiên luôn sáng ngời hạnh phúc và nụ cười cứ nở mãi trên môi.
Tác giả: Sưu tầm