1, Giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa đón Tết
Tết đến cũng có nghĩa là một năm đã trôi qua, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ, trang trí đẹp mắt để đón Tết. Bằng cách phân công cho con những công việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, lau bàn học… cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết.
Công việc này không chỉ đơn thuần là trang hoàng nhà cửa, mà qua đó mọi gia đình muốn gửi gắm những thông điệp của riêng mình như: treo câu đối đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tạo những điểm nhấn màu vàng tượng trưng cho tài lộc,… và qua đó, mọi người đều mong muốn sắp xếp lại những chuyện không vui của năm cũ để chào đón một năm mới an khang.
Trẻ biết cùng cha mẹ dọn dẹp nhà cửa đón tết
2, Dạy con chúc Tết
Chúc Tết là phong tục thể hiện sự kính yêu của con cháu với người lớn trong gia đình. Dạy con có những lời chúc thích hợp với từng người, ví dụ với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”,…
Cha mẹ có thể tranh thủ những khi cùng bé làm việc nhà hoặc vào những giờ kể chuyện trước khi đi ngủ để dạy bé về phong tục này.
3, Mỉm cười và nói lời cảm ơn khi được nhận lì xì
Mỗi dịp năm mới đến, trẻ em thường được nhận lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành. Phong bao lì xì đỏ cũng chính là tấm lòng, sự yêu thương của người lớn dành cho con, cháu, mong muốn mang đến nhiều may mắn, thuận lợi khi một năm mới đến.
Lì xì đỏ là tấm lòng, sự yêu thương của người lớn dành cho con, cháu
Cha mẹ hãy giải thích ý nghĩa của tiền mừng tuổi để trẻ hiểu, dạy chúng mỉm cười và biết nói lời cảm ơn. Nếu con quên, cha mẹ hãy gợi ý cho bé “Khi con được nhận lì xì thì con sẽ làm gì nào?” hay “Con quên gì rồi? Ông lì xì cho con thì con phải làm gì nhỉ?”
Chỉ những điều đơn giản như vậy, nhưng cũng giúp cho con trưởng thành hơn rồi đó!
4, Dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Qua đó, trẻ cảm nhận được những khó khăn vất vả của người lớn, để lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên.
Trong bữa cơm ngày tết của đại gia đình, ngoài lời cảm ơn đôi khi cũng cần gợi ý cho con có những hành động cụ thể tri ân ông bà, cha mẹ như: bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà, quạt mát cho mẹ.... Khi bé hỏi cha mẹ về những mối quan hệ ruột thịt trong gia đình như “Tại sao lại phân biệt ông nội và ông ngoại, lại còn có ông trẻ nữa?”, cha mẹ hãy kiên nhẫn giải thích về những mối liên hệ máu mủ, ruột rà để bé có thể hiểu được ý nghĩa huyết thống của gia đình mình.
5, Giúp con hiểu ý nghĩa của món ăn truyền thống ngày Tết
Tết đến, gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn với các món ăn truyền thống, trước là để cúng tổ tiên, sau là để mọi người trong nhà cùng thưởng thức, quây quần. Các món ăn truyền thống ngày Tết không chỉ đa dạng về loại món mà còn chứa đựng những điều ý nghĩa để khởi đầu cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Mâm ngũ quả
Tuỳ từng vùng miền, người ta chọn lựa 5 loại quả khác nhau (hoặc có thể nhiều loại hơn để bày cho đẹp mắt) để xếp thành một đĩa quả nhiều màu sắc, vô cùng bắt mắt. Mỗi loại quả lại mang một ý nghĩa khác nhau, thể hiện ước muốn của mỗi gia đình trong năm sắp tới.
Bánh chưng
Bánh Chưng được coi là linh hồn của ngày Tết, là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Việt và cũng là thức bánh có lịch sử lâu đời.
Khi gói bánh chưng, có thể cho con phụ giúp những việc nhỏ, cha mẹ hãy kể cho con về sự tích “Bánh Chưng, bánh Giày” từ thưở khai thiên lập địa để nhớ về cội nguồn, hướng về tổ tiên. Qua đó, các con sẽ càng trân trọng hơn giá trị lao động, hiểu được được sự vất cả của những người nông dân làm ra hạt gạo.
Nguồn: Sưu tầm