Nhiều bậc phụ huynh hẳn đau đầu và lo lắng vì khi đọc được những bài văn ngây ngô, “lạ” của con em mình với cách dùng từ ngữ, cách diễn đạt, cách so sánh không tuân theo lô-gic thông thường.
Phần tập làm văn có vị trí quan trọng của môn Tiếng Việt của học sinh lớp 3 và thường là các dạng bài văn kể về người, vật, cảnh. Làm thế nào giúp các con có cách làm bài đối với dạng bài này? Bài viết mong sẽ giúp các bậc phụ huynh “học cùng con” tốt môn tập làm văn lớp 3.
Nguyên nhân do đâu?
Bài kiểm tra là hãy kể về người thân trong gia đình. Kể về bà nội, thì có học sinh lớp 3 viết: “Bà nội em năm nay đã 70 tuổi nhưng giọng của bà vẫn sang sảng. Sáng nào bà cũng lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?”. Bài văn kể về một con vật nuôi trong nhà. Kể về con gà trống, có em viết: “Nhà em có nuôi một con gà trống, lông nó màu tía rất đẹp. Mỗi sớm mai thức dậy nó gân cổ gáy ầm ĩ báo thức cho mọi người dậy đi làm. Hôm giỗ ông em, con gà trống không gáy nữa vì bị bố em làm thịt”.
Liệu đọc các câu văn trên bạn có băn khoăn? Tại sao các em lại có cách tư duy như vậy? Có lẽ do đặc điểm tâm lí lứa tuổi, liên tưởng ở học sinh lứa tuổi này rất hồn nhiên ngây thơ và ngộ nghĩnh, do vốn sống ít tuy có ý tưởng, nhưng vẫn còn nhiều sai sót về diễn đạt như: dùng từ chưa chính xác, ý trùng lặp, các ý trong đoạn văn chưa liên kết nhau, diễn đạt chưa rõ ràng mạch lạc và chưa có sự định hướng trong cách viết của thầy cô giáo.
Bắt tay vào giải quyết- học cùng con
1. Giúp con tưởng tượng, liên tưởng
Bạn Trần Khánh An lớp 3A2 đang say sưa suy nghĩ tìm ý tưởng cho các mạch văn của mình
Ở lứa tuổi các con ý tưởng chưa phong phú, sáng tạo, các con thường trình bày rất “tối ý”. Vì vậy các bậc phụ huynh có những câu hỏi gợi ý, khuyến khích học sinh liên tưởng, tưởng tượng thêm những chi tiết một cách tự nhiên, chân thật và hợp lí qua việc sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hoá, để từ đó các con biết trình bày bài văn giàu hình ảnh, sinh động, sáng tạo. Trí tưởng tượng, liên tưởng của các con lứa tuổi này rất hồn nhiên ngây thơ và ngộ nghĩnh, cho nên để rèn luyện kĩ năng này cho con, phụ huynh có thể giúp gợi ý cho con mình các câu văn có hình ảnh so sánh, gợi tả, gợi cảm để các con học hỏi, tham khảo.
2. Hãy cho con được quan sát thực tế
Do vốn sống của các con ở lứa tuổi này còn ít, nếu như đề bài yêu cầu viết về con vật, con cây cối hay dòng sông quê hương; thế nhưng các học sinh ở thành phố có thể chưa được quan sá và nhìn thấy thì làm sao các con có vốn kiến thức để có thể viết bài văn hay. Có em học sinh lớp 3 đã viết về cây ớt như thế này: “Nhà em có một cây ớt, ngày nào em cũng trèo lên cây, hái ớt cho bố em”. Vì vậy các bậc phụ huynh có thể giúp con của mình được xem tranh, hình ảnh, video thực tế. Qua việc quan sát thực tế các em có hiểu biết nhất định đối tượng của bài của mình để tránh hiểu lệch lạc, sai lầm về đối tượng của bài văn. Giúp các em có thể viết bài văn được trực quan, sinh động và hấp dẫn.
3. Hướng dẫn con diễn đạt
Hai mẹ con bạn Vũ Nguyệt Minh lớp 3A2 đang say sưa thảo luận.
Các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý lắng nghe, khuyến khích ý tưởng, suy nghĩ hay, mới lạ của con mình; xem cách con mình diễn đạt câu văn để có thể uốn nắn sửa chữa những lỗi sai.
Cuối cùng, hãy tặng cho các con những quyển truyện thiếu nhi hay như: truyện cổ tích, truyện danh nhân, chuyện Người tốt, việc tốt …. cũng là cách giúp các con học cách diễn đạt tốt hơn, thêm phong phú vốn từ, phát huy hơn trí tưởng tượng, làm giàu vốn sống từ đó giúp các con học tốt môn tập làm văn. Học tốt Tập làm văn sẽ giúp học tốt các môn học khác đồng thời rèn luyện khả năng giao tiếp, giúp cho các con phát triển tình cảm trong sáng lành mạnh và đồng thời góp phần, hình thành nên nhân cách của các con.
Hi vọng bài viết trên đây, có thể giúp ích một phần nào cho bậc phụ huynh trong việc hướng dẫn con làm học và viết tập làm văn.