Khi một đứa trẻ chào đời, đó là một sự khởi đầu cho một hành trình với tên gọi “cuộc đời”. Ai sinh ra cũng có một cuộc đời nhưng mỗi người sống một cuộc đời không giống nhau, có người thành công, có người thất bại; người giàu có, người nghèo khổ,..
Cái tạo ra sự khác biệt không chỉ đơn thuần đến từ xuất phát điểm của mỗi người. Đương nhiên những trẻ em ở trong điều kiện sống tốt sẽ có được sự phát triển thuận lợi hơn. Nhưng điều này không có nghĩa đứa trẻ nào trong gia đình giàu có lớn lên cũng dễ thành công và ngược lại đứa trẻ nào trong gia đình nghèo lớn lên cũng có khả năng thất bại. Có thể khẳng định yếu tố quyết định thành công hay thất bại 99% nằm ở giáo dục. Một nền giáo dục toàn diện, phù hợp giúp tạo ra một con người có hiểu biết, văn minh, có đạo đức, có lối sống lành mạnh và thích nghi được với cuộc sống, đạt được những thành công trong cuộc sống. Bàn về phạm vi hẹp hơn trong giáo dục, việc có được nền tảng kiến thức hay kỹ năng thôi là chưa đủ, biết cách vận dụng, ứng dụng và tự tin để làm việc đó mới là điều quan trọng.
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tự tin. Tự tin giúp một đứa trẻ có thể giao tiếp, sẵn sàng hòa đồng, sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ, sẵn sàng thể hiện bản thân và chia sẻ những điều mình biết, mình nghĩ với những người xung quanh.
Tại sao trong cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều trẻ em nhút nhát, thiếu tự tin?
Không phải đứa trẻ nào sinh ra đã có tính cách này. Di truyền từ bố mẹ hay bản tính nhạy cảm, dễ hoảng sợ chỉ có ở một phần nhỏ trẻ em. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường sống: trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ dẫn đến lo âu, nhút nhát; trẻ không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng; trẻ thường xuyên bị chê bai, chọc ghẹo, trẻ “được” kỳ vọng quá nhiều so với khả năng…
Trẻ nhút nhát: Lợi bất cập hại.
Một số phụ huynh không để ý đến tác hại của vấn đề này vì họ gần như chỉ nhìn thấy những điểm tích cực ở trẻ nhút nhát. Trẻ nhút nhát vẫn có thể học giỏi, trẻ nhút nhát thường dễ bảo, ngoan ngoãn, lễ phép… Tuy nhiên đây chỉ là những biểu hiện tích cực ngắn hạn, chứa đựng nhiều rủi ro về lâu dài. Nếu cứ tiếp tục như vậy, những đứa trẻ mắc phải tình trạng này không chỉ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như cô độc, ít niềm vui; ít bạn bè, khó hòa đồng; lo sợ thường xuyên dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến đau dạ dày, đau đầu…Nếu không được phát hiện và “chữa trị” sớm, đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: trẻ lớn lên thành người lớn nhút nhát và không có cơ hội để trở thành những người thành đạt trong cuộc sống.
Những điều phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ tự tin.
– Bố mẹ nên làm gương cho con: Trong cuộc sống hàng ngày, trong cư xử, giao tiếp… bố mẹ cần thể hiện sự tự tin, bản lĩnh. Nếu bố mẹ cũng tỏ ra rụt rè, nhút nhát thì con cái khó có thể tự tin được.
– Đừng bao giờ dán nhãn “nhút nhát” cho con.
– Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi.
– Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi, hoạt động thể thao có yếu tố tập thể.
– Khen ngợi, khuyến khích con khi con có những tiến bộ.
– Cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống phù hợp.