6 HƯỚNG DẪN TRONG DẠY KĨ NĂNG VIẾT
Không ít giáo viên tiểu học/ cha mẹ vì lo lắng cho điểm số của trẻ mà yêu cầu các con học thuộc lòng những bài văn mẫu do giáo viên viết, hoặc trẻ viết nhưng lại bị sửa gần hết theo ý của giáo viên/ phụ huynh. Bị phủ nhận cái tôi cá nhân ngay từ những năm đầu tập viết, điều trẻ nhận được chỉ là một điểm số không thực, ngoài ra chỉ còn lại mất mát, không trưởng thành gì thêm. - Bạn có từng bối rối khi dạy học trò/ con cái kĩ năng viết không?
- Bạn có từng phải hướng dẫn rất chi tiết mà rồi cuối cùng trẻ vẫn không viết được không?
- Học trò/ con của bạn có phải chỉ viết được những bài quen, đã được luyện trước không?
- Bạn có từng phải yêu cầu trẻ thuộc bài văn mẫu vì lo lắng khi đi thi trẻ không thể viết được không?
- Và chính bạn, bạn có thấy khó khăn khi bắt đầu viết không?
Nếu câu trả lời là “có” đối với ít nhất 1 câu hỏi trên thì bài viết này có thể giúp được bạn phần nào.
Để có một bài viết hoàn chỉnh, bạn hãy dạy cho trẻ về những điều sau:
1. Ý TƯỞNG SÁNG TẠO
Ý tưởng được xem là trái tim và tâm hồn của bài viết. Ý tưởng là là nội dung chính bao gồm chủ đề và và các chi tiết (details) phát triển chủ đề đó. Để viết được một đoạn văn/ bài văn/ bài luận bạn cần có ý tưởng. Ý tưởng tốt là ý tưởng rõ ràng, thú vị và độc đáo. Nó khiến người đọc trầm trồ tán thưởng: ồ, tôi chưa bao giờ từng nghĩ tới điều đó. Nếu không có ý tưởng, bài viết của bạn sẽ trở nên nhàm chán, thiếu điểm nhấn. Bạn cũng cần học cách trân trọng ý tưởng của học sinh, đừng yêu cầu học sinh nhìn cuộc sống bằng con mắt của bạn. Mỗi ý tưởng dù là ngô nghê đều cần được trân trọng.
2. SẮP XẾP/ TỔ CHỨC BÀI VIẾT MẠCH LẠC
Một bài viết hay phải được sắp xếp các ý tưởng một cách hợp lí để người đọc hiểu được các thông tin và theo dõi được những gì người viết muốn truyền đạt. Một bài viết có tổ chức tốt là bài viết mà các ý tưởng được sắp xếp theo một trình tự rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa, dễ hiểu và hấp dẫn. Các nhà văn giỏi thường tổ chức tác phẩm của mình bằng một mở đầu ấn tượng, sau đó là chuỗi những ý tưởng hợp lí, lôgic, bất ngờ.. Bạn có thể dùng những câu truyện nhỏ để dạy học sinh về trình tự sắp xếp.
3. TỪ NGỮ PHONG PHÚ
Giải thích cho học sinh thấy, người có kĩ năng viết tốt phải biết lựa chọn từ ngữ cẩn thận để có thể biểu đạt rõ nhất ý tưởng của mình. Từ trước hết phải được chọn đúng, sau đó là những từ có thể là hài hước, thú vị để cuốn hút người đọc. Giúp học sinh thấy được sự phong phú, đầy màu sắc của ngôn ngữ, hướng dẫn các em khám phá nhiều cách để nói cùng một một dung. Viết có nghĩa là sử dụng những từ ngữ ở nhiều sắc thái, tạo nên những bức tranh ngôn ngữ sống động trong tâm trí người đọc.
Đừng dùng lặp đi lặp lại một từ, ví dụ “rất”, “yêu”...Trong văn viết tiếng Việt, các từ phức có khả năng biểu đạt tốt hơn từ đơn. Vd, thay vì nói “lá cây rất xanh” thì hãy dùng “lá cây xanh mướt”. Việc cung cấp và mở rộng vốn từ cho học sinh cần làm thường xuyên, thông qua các bài đọc hiểu hay những giờ đọc sách.
Đối với phần này nên sử dụng và hướng dẫn học sinh sử dụng từ điển tiếng Việt, đặc biệt là từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa dành cho học sinh.
4. DIỄN ĐẠT LƯU LOÁT
Hướng dẫn học trò cách sử dụng linh hoạt các kiểu câu khác nhau trong bài viết. Chúng ta thường bắt gặp những đoạn văn đơn điệu như:
Hôm qua em đi chơi vườn bách thú. Đầu tiên em thăm chuồng voi. Rồi em thăm chuồng hổ. Rồi em thăm chuồng khỉ...
Bạn có thể dạy trẻ về các kiểu viết khác nhau thông qua những bài tập giống như biến đổi câu giữ nguyên nghĩa trong các bài học tiếng Anh. Tuy nhiên, hình thức của hoạt động rất quan trọng, nếu có thể hãy biến nó thành một trò chơi hay một cuộc thi nho nhỏ để các con thi xem ai biến đổi nhanh nhất/ hay nhất/ sáng tạo nhất....
Viết hay còn phải để ý tới âm điệu của câu văn. Với 6 thanh điệu, bản chất tiếng Việt rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Khi dạy học, nếu bạn chú ý tới điểm này thì bạn sẽ hướng trẻ tới nhạc tính của câu. Câu văn uyển chuyển tạo nên hứng thú cho người đọc. Mặc dù đọc bằng mắt nhưng người đọc còn thẩm định bằng tai nữa. Câu văn lưu loát, trôi chảy, nhịp nhàng, giàu tính nhạc luôn khiến cho người đọc ấn tượng. Tuy vậy, đừng nhầm với những kiểu viết sáo rỗng, uốn éo mà thiếu nội dung.
5. GIỌNG ĐIỆU ĐỘC ĐÁO, CHÂN THÀNH.
Bạn thường nghe nói tới giọng văn đúng không? Giọng điệu ở đây là cá tính riêng của người viết bộc lộ qua cách viết của mình. Giải thích cho trẻ rằng khi con viết, bài viết sẽ mang cá tính riêng của con. Khi viết, con sẽ cho mọi người thấy con là ai thông qua từ ngữ, câu chữ. Dù bất kể là con viết cái gì, hãy luôn chắc chắn rằng nó là giọng điệu của riêng con, không lẫn với người khác, nếu không người đọc sẽ không thấy sự đặc sắc và cũng chẳng bận tâm ai là người viết bài đó. Giọng điệu chính là phương tiện mạnh mẽ nhất để kết nối người viết và người đọc, nó khiến cho người đọc cảm nhận được được một phần con người cá nhân của người viết.
Điều này rất quan trọng và cũng vô cùng khó khăn. Không ít giáo viên vì lo lắng cho điểm số của học sinh mà yêu cầu các con học thuộc lòng những bài văn mẫu do giáo viên viết, hoặc trẻ viết nhưng lại bị sửa gần hết theo ý của giáo viên/ phụ huynh. Trẻ bị phủ nhận cái tôi cá nhân ngay từ những năm đầu tập viết, điều trẻ nhận được chỉ là một điểm số không thực, ngoài ra chỉ có mất mát, không trưởng thành được gì. Các trường đại học lớn trên thế giới khi tuyển sinh đều đánh giá rất cao những bài luận bộc lộ được cá nhân ngưởi viết, định nghĩa được tôi là ai, nếu cứ dạy viết/ ép viết theo lối xóa nhòa cá nhân, rất khó để trẻ em VN được tiếp cận với thế giới.
6. QUY TẮC CHÍNH TẢ
Nhắc nhở và chữa cho trẻ lỗi chính tả. Người có kĩ năng tốt phải tuân theo những quy ước thông thường về chính tả như: viết hoa đầu câu, đặt đúng dấu chấm câu, viết hoa tên riêng, đúng chính tả các chữ như r/d/gi; s/x, tr/ch, l/n...Quy tắc về chính tả được chữa hàng ngày và cũng không nên đòi hỏi trẻ phải đúng ngay từ đầu. Nên nhớ, ý tưởng là mới là quan trọng nhất, đừng sa đà vào tẩy xóa dập chữa lỗi chính tả mà vô tình làm hỏng đi nhuệ khí viết của trẻ.
Sáu quy tắc trên được áp dụng với bất kì dạng bài luận nào, dù là miêu tả hay kể truyện hay nghị luận biện bác. Tuy nhiên, áp dụng nó không phải chỉ nói ra là đủ mà bạn phải XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP THỰC HÀNH và từng bước rèn luyện kĩ năng cho học sinh, để mỗi khi gặp tình huống phải viết học sinh sẽ nhớ ngay tới trình tự, quy tắc để viết một bài hoàn chỉnh.
Cá nhân tôi cho rằng, kĩ năng viết phải là kĩ năng chung, có tính toàn cầu, vì nó thể hiện cách thức tư duy, việc viết bằng ngôn ngữ nào chỉ mang tính phương tiện. Nếu bạn rèn cho trò theo những quy tắc này thì sẽ tránh được việc ở Việt Nam học khác, khi đi thi thố ra thế giới lại phải học lại một kiểu viết khác, vừa mệt mỏi lại vừa tốn kém.
Tham khảo:
1. Evan Moor, Daily 6 trail writing.
2. Jim Collins, Introduction to Writing Traits and Writing Strategies, WNY School Support CenterUBBuffalo Public Schools.
3. Michael Coe Cedar Lake Research Group, An Investigation of the Impact of the 6+1 Trait Writing Model on Grade 5 Student Writing Achievement, NCEE 2012–4010 U.S. Department of Education.