Đó là tâm sự của cô giáo Hoàng Thị Yên, giáo viên Trường Tiểu học Đồn Đạc, người có thâm niên hơn 37 năm gắn bó với nghề ở huyện vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh).Chưa từng được đào tạo về chuyên ngành dạy trẻ khuyết tật, nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, cô Yên đã giảng dạy và giúp rất nhiều học sinh khuyết tật vùng cao hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Tại lớp 1A, nơi cô giáo Yên đang chủ nhiệm có một học sinh tên Trịnh Bảo Hân bị câm điếc bẩm sinh. Để có thể giao tiếp với Bảo Hân, cô giáo Yên đã tự mày mò và nghĩ ra việc sử dụng các ký hiệu của riêng mình.
Cô giáo Hoàng Thị Yên đang dạy em Bảo Hân học Toán
Quan sát cô giáo Yên dạy Bảo Hân học toán, chúng tôi mới thấy sự tận tụy hết lòng mà cô đã dành cho em.Cô Yên phải tới tận bàn của Bảo Hân, thậm chí gọi em lên bảng nhiều lần nhằm giúp em thêm tự tin, ra ký hiệu lặp đi lặp lại để em hiểu và tính toán được như các bạn.Có lẽ vì thấy cô giáo Yên ân cần như một người mẹ nên Bảo Hân cũng rất chăm chú học bài.
Cô Yên chia sẻ: “Hơn 37 năm đứng trên bục giảng, tôi đã được chủ nhiệm, dạy nhiều lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập.Mỗi em có một dạng khuyết tật riêng, nhưng nhìn chung đều gặp khó khăn rất nhiều về học tập, khả năng tự phục vụ bản thân.Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu đặc điểm từng học sinh, nội dung chương trình dạy học để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, có biện pháp hỗ trợ chăm sóc, giáo dục các em phù hợp”.
Theo cô giáo Yên, đầu tiên, cô phải tìm hiểu đặc điểm, dạng khuyết tật của từng học sinh, những khó khăn mà các em cần sự giúp đỡ.Tiếp đó, cô sẽ trao đổi với các giáo viên bộ môn, gia đình học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân với mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phù hợp.
Trong công tác soạn, giảng, cô giáo Yên còn chuẩn bị các nội dung cho học sinh khuyết tật tham gia cùng với các hoạt động của các bạn trong lớp, đảm bảo vừa sức và huy động được sự giúp đỡ của các bạn trong lớp. “Tôi luôn tin rằng ngọn nến thẳng hay cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh.Và tôi sẵn sàng đánh đổi để được thắp lên niềm vui, ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt. Dạy dỗ các em, tôi có được niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có”, cô Yên nói.
Mặc dù sắp nghỉ hưu nhưng cô giáo Hoàng Thị yên luôn tâm huyết với nghề
Trò chuyện với nhiều giáo viên trong trường, chúng tôi biết rằng, cô giáo Hoàng Thị Yên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chồng cô thường xuyên ốm đau, bệnh tật, còn các con, tuy đã có công việc nhưng làm thời vụ, thu nhập không ổn định. Căn nhà cô đã xây hơn chục năm vẫn chưa thể trả hết nợ vì phải lo tiền thuốc thang cho chồng.
Ấy vậy nhưng chẳng bao giờ mọi người thấy cô thể hiện những nỗi buồn đó ra bên ngoài. Đến lớp, cô vẫn rất thương học trò, giảng dạy tận tình, tâm huyết như hồi mới vào nghề.
Cô Yên chia sẻ thêm: “Tháng 5 này tôi về hưu, sẽ rất buồn khi không còn được dạy học. Nhiều năm dạy trẻ khuyết tật, tôi thấy mình kiên cường hơn. Các cháu còn bé nhưng phải chịu rất nhiều nỗi đau về tinh thần cũng như thể chất. Điều đó càng thôi thúc tôi cống hiến sức lực với nghề giáo”. 37 năm đứng lớp, nhưng trong mắt đồng nghiệp, cô giáo Yên chưa bao giờ hết nhiệt huyết với công việc ở trường.
Cô Yên không chỉ là một giáo viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn nhiều lần đạt giải tại các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp.