Những kỹ năng về tài chính – như tiết kiệm, quản lý tiền bạc – vốn dĩ rất quan trọng để trẻ có thể đạt được thành công về lâu dài. Về vấn đề này, trong khi giảng dạy và chủ nhiệm lớp ở Tiểu học, tôi thường tích hợp giáo dục các em học sinh của mình trong các giờ Toán, Tập đọc hay là giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp.Khi có công văn 405 của BGD ( 28/1/2021) về việc thay đổi bổ sung một số nội dung giảng dạy để học sinh học nối tiếp chương trình thay sách lớp 6 của năm học tới, chúng tôi được cùng các con nghiên cứu vấn đề này trong 2 tiết Đạo đức (tuần 25 và 26). Một vấn đề khá ngạc nhiên khi thực hiện khảo sát học sinh lớp mình với đề tài: “Tết vừa qua con được ba mẹ và người thân mừng tuổi cùng với những lời chúc tốt đẹp, con đã và sẽ dùng số tiền mừng tuổi để làm gì?”, một diễn đàn sôi nổi được diễn ra. Đa số các con bày tỏ việc dùng tiền để mua đồ chơi, quần áo đẹp, sách truyện hay quà tặng sinh nhật cho bạn bè hay thỏa thích mua vài gói bim bim đúng vị…Qua việc chia sẻ của học sinh, tôi đã định hướng và giải thích cho các con hiểu: Tiền là hữu hạn và điều quan trọng là phải đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, vì một khi con tiêu hết số tiền mình có, con sẽ không còn gì để tiêu nữa. Khi đó, mọi mong muốn ( cho dù là rất nhỏ) con cũng không có cơ hội để đạt được. Một video clip về những đứa trẻ tị nạn nghèo đói khổ sở đem đến cho các con một vấn đề: nếu ta không biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lí, con có thể rơi vào hoàn cảnh khốn khó tương tự…
Học sinh cùng nhau trao đổi theo nhóm cách sử dụng tiền mừng tuổi sao cho hợp lý
Tôi đã giải thích rõ sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu, để con có thể đưa ra những lựa chọn về tiền bạc tốt hơn sau này. Về vấn đề này, cùng sự chung tay của cha mẹ học sinh, các con có thể thảo luận cùng bố mẹ về sự khác biệt giữa “nhu cầu” và “mong muốn”, đồng thời khuyến khích con suy nghĩ về những điều này trước khi tiêu tiền. Ví dụ: Tại một cửa hàng, con xin mua một trò chơi điện tử mới hoặc một bộ quần áo mới, thay vì phớt lờ con, hãy nói chuyện với con xem đó có phải là thứ thực sự quan trọng đối với con không, hay đó chỉ là một sự mong muốn bốc đồng, không cần thiết.
Khi đi mua sắm, cha mẹ hãy giải thích cho con biết nên đưa ra quyết định tiêu tiền như thế nào bằng những câu hỏi như “Đây có phải là thứ chúng ta thực sự cần không? Hay chúng ta có thể bỏ qua vì chúng ta sắp đi ăn tối? ” “Thay vì mua, mình có thể mượn món đồ này từ ai được không?” “Con nghĩ có chỗ nào bán thứ này với giá thấp hơn không? Chúng ta có thể đến cửa hàng giảm giá và mua hai cái thay vì một cái không?”
Các em học sinh hăng hái đưa ra ý kiến của cá nhận cũng như của nhóm về cách
sử dụng tiền một cách phù hợp với lứa tuổi
Như vậy, ngoài việc dạy các con kĩ năng tự bảo vệ mình, kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng làm chủ cảm xúc, kĩ năng phòng tránh dịch bệnh…thì việc tạo cho các con có kĩ năng sử dụng tiền hợp lí cũng là một vấn đề quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ Tiểu học.