|
Khi trẻ cho đi tình thương, trẻ mới có cảm xúc, tình cảm. Ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật trong bài |
Chị Lại Thị Hải Lý kể câu chuyện khá buồn nhưng lại là hiện tượng xảy ra ở không ít gia đình:
Có 1 đứa trẻ sống cùng bố mẹ và ông nội. Ông nội vô cùng yêu cháu, dành cho cháu tất cả tình yêu thương. Ông chăm sóc cháu cẩn thận, từ việc tắm rửa, cho cháu ăn, dắt cháu đi chơi, vui đùa cùng cháu. Với ông, cháu là cả một thế giới niềm vui. Cháu vì thế cũng rất quấn quýt và yêu ông.
Năm cháu 10 tuổi, ông nội bị ung thư và mất. Bố mẹ và nhiều người thân nghĩ rằng đây là cú sốc rất lớn với cháu. Khác với suy nghĩ ấy, cháu chỉ khóc một lúc và lại vui chơi như không có chuyện gì xảy ra.
Không lâu sau, con chó của cậu bé chết. Cậu bé đã khóc ròng rã suốt 1 tháng trời. 1 năm sau, khi nhắc đến con chó, cậu bé vẫn… thổn thức.
Bố mẹ cậu bé rất tức giận và đau khổ khi thấy người yêu thương, gần gũi với con mất đi mà con không đau buồn, trong khi lại khóc con chó đến cả năm trời.
|
Dạy con biết chăm sóc người lớn từ các hành động hàng ngày. Ảnh minh họa |
Theo chị Lại Thị Hải Lý, với ông nội, đứa cháu chỉ luôn nhận được sự chăm sóc, tình yêu thương của ông mà không có “nghĩa vụ” phải cho đi. Trong khi đó, với con chó, cậu bé lại chăm sóc, lo lắng cho nó rất nhiều. Hàng ngày, cậu cho chó ăn, tắm cho chó và vui đùa cùng nó. Chính vì cậu bé cho đi tình thương bằng việc chăm sóc con chó nên cậu mới có nhiều cảm xúc như vậy.
Chính vì vậy, cha mẹ cần dạy cho con cho đi tình thương chứ không nên để con chỉ biết nhận. Việc dạy con phải diễn ra hàng ngày. Con cái phải có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình. Đó có thể là rót cốc nước mát mời bố mẹ khi đi làm về, tặng quà, hoa, viết thiệp tặng ông bà vào ngày sinh nhật, ngày lễ, gắp những miếng ngon cho người lớn tuổi, chăm sóc người thân khi ốm đau… Từ việc chăm sóc ấy, các con mới có cảm xúc, tình cảm với người thân của mình.