Đánh đập con cái sẽ gây ấn tượng xấu cho trẻ sau này
Điều đáng nói ở đây là luật pháp về quyền trẻ em, không phải là chưa có, nhưng trẻ em liệu có bao nhiêu em biết được các quyền của mình. Có bao nhiêu người lớn trong xã hội thực sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật về quyền trẻ em? Nếu chỉ xử lý vụ việc bạo hành trẻ em theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa, chữa triệu chứng mà không giải quyết từ gốc thì chắc chắn chúng ta sẽ lại chứng kiến những vụ bạo hành trẻ em dã man khác.Việc một thế hệ được dạy bằng roi vọt sẽ lại tiếp tục áp đặt tư duy này lên các thế hệ tương lai là điều có thể lường trước. Tuy nhiên, khi nhân nghĩa, đạo đức không thể cảm hóa được cái ác thì mới phải dùng đến các hình phạt của pháp luật. Càng phải dùng đến các hình phạt của pháp luật để can thiệp thì càng cho thấy đạo đức xã hội đã lâm vào bế tắc, khủng hoảng. Cuộc đời sẽ nhân ái hơn khi con người dễ dàng biết tha thứ cho nhau, còn như lúc nào cũng phải dùng đến các hình phạt của pháp luật để ứng xử thì cuộc sống đã bế tắc và đi vào ngõ cụt. Đáng sợ nhất vẫn là ngày càng đang phổ biến nhiều hiện tượng chưa phân định rõ tốt, xấu, thậm chí lẫn lộn trắng đen. Quy luật cuộc đời đều chỉ ra rằng: Cha mẹ bạo ác thì con cái dễ có hành vi bạo ác; Thầy cô bạo ác thì học trò dễ có hành vi bạo ác… Cái ác mang mặt nạ lương thiện càng nhiều, thì sự tàn phá xã hội của nó càng lớn.
Trong khi hành vi bất lương hiện ra rõ ràng trước mặt mọi người, chẳng màu mè giả tạo thì dù có đau xót, nhưng không khó để phòng tránh. Chính những kẻ tâm địa độc ác mà đóng vai từ thiện, đóng vai giáo dục, đóng vai cứu người… mới đúng là cội nguồn của mọi hiểm họa. Bạo hành trẻ em, suy cho cùng có nguồn gốc từ môi trường xã hội, cần phải được lý giải từ những biểu hiện bạo hành nhỏ như "thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, đến biểu hiện bạo hành lớn gây hại cho cộng đồng. Khi "chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh” thì lúc đó bạo lực sẽ hoành hành xã hội. Bởi lẽ, từ cái ác nhỏ không được ngăn chặn sẽ dẫn đến cái ác lớn. Rồi từ những cái ác lớn không được chỉnh đốn dẫn đến hàng loạt những cái ác nhỏ bắt chước làm theo. Thói bạo hành của người cha trong gia đình không những gây nên nỗi khiếp sợ, phai nhạt tình thân mà tai hại hơn là để lại trong trái tim con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng.
Dân gian có câu "cha nào con nấy”, trong trường hợp này cũng có một phần đúng. Mặc dù khiếp sợ và căm ghét thói bạo hành của người cha, nhưng khi trưởng thành, những đứa con, đặc biệt là con trai, lại có xu hướng "lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người khác. Trẻ em, với năng lực và kỹ năng chống đỡ yếu ớt, nhưng đáng buồn thay lại chính là đối tượng luôn lãnh nhận nặng nề nhất các hệ lụy của bạo lực. Bạo lực trẻ em trong gia đình là điều thực sự đáng sợ và có hại đối với con trẻ. Trẻ em cần một ngôi nhà thực sự an toàn và yêu thương, nơi chúng lớn lên không phải chịu đựng sự sợ hãi. Một đứa trẻ phải chứng kiến bạo lực trong gia đình, khi trưởng thành sẽ có nhiều khả năng giải quyết các mâu thuẫn cũng bằng bạo lực.
Vì vậy, hãy hành động để ngôi nhà của bạn không có bạo lực và thực sự an toàn, ngăn chặn những hành vi bạo lực kể cả giữa các anh chị em của trẻ. Những hành vi thù địch, tranh cãi, bạo lực giữa bố mẹ, đánh đập con cái sẽ gây ấn tượng xấu cho trẻ sau này. Xã hội có nhiều gia đình bạo lực ắt hẳn sẽ bất ổn.
Theo Baomoi.com